Suyễn ở trẻ em

PHẦN CHÌM CỦA TẢNG BĂNG

 BS.Trần Anh Tuấn

 Trưởng khoa Hô hấp – BV.Nhi Đồng 1

I/ SUYỄN LÀ GÌ ?

Suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là một bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em.

Đây là một tình trạng viêm mãn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường hô hấp (chủ yếu là phế quản) sẽ bị co thắt, phù nề, tiết đầy chất nhầy đưa đến tình trạng tắc nghẽn đường thở khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

suyen

Các yếu tố kích thích cơn suyễn bộc phát là:

+ Các chất gây dị ứng: phấn hoa, lông thú, thức ăn, bụi nhà, thuốc men.

+ Nhiễm trùng đường hô hấp: là yếu tố rất quan trọng ở trẻ em.

+ Khói thuốc lá

+ Gắng sức, lo lắng

–         Cũng cần nên biết là suyễn hoàn toàn không phải là bệnh lây lan. Đây là điều mà nhiều người trước đây

–         rất e ngại.

II. TÌNH HÌNH BỆNH SUYỄN Ở TRẺ EM HIỆN NAY Ở TP.HỒ CHÍ MINH   NHƯ THẾ NÀO?

–                 Hiện nay cùng với đà công nghiệp hóa, số lượng bệnh nhân suyễn, người lớn và cả trẻ em, đã gia tăng đáng kể trên toàn thế giới. Người ta cũng ghi nhận là tỷ lệ trẻ em bị suyễn gấp đôi so với người lớn. Trung bình cứ 20 năm tỷ lệ mắc suyễn ở trẻ em tăng 2 – 3 lần. Tại Pháp, người ta ước tính rằng cứ 10 phút sẽ có một bệnh nhi suyễn tương lai chào đời. Và trung bình trong mỗi lớp học sẽ có từ 2 – 3 học sinh bị suyễn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 10% trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới bị suyễn. Tại TP.HCM, chúng tôi đã khảo sát thấy rằng khoảng 10% trẻ em ở Q 10 bị suyễn.

–                 Tuy nhiên trong nhiều năm trước đây suyễn ở trẻ em vẫn là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức từ nhiều phía, cả thầy thuốc và cả gia đình, mà các nhà chuyên môn thường dùng hình ảnh tảng băng để mô tả, trong đó phần chìm sâu bên dưới mặt nước phẳng lặng lại là phần đặc biệt quan trọng nhưng thường ít được chú ý đến. Người ta ước tính trong 5 trẻ < 2 tuổi thì có 1 trẻ bị suyễn. Tại phòng khám suyễn BV.Nhi đồng 1, khoảng 1/3 bệnh nhi suyễn là còn trong lứa tuổi nhũ nhi (dưới 2 tuổi). Thật vậy, có không ít các cháu đã có biểu hiện bệnh suyễn rõ ràng ngay từ rất sớm trong lứa tuổi còn bú và có khi cần phải điều trị lâu dài thế mà gia đình lại không nhận biết và thầy thuốc có khi chẩn đoán cũng nhầm lẫn với bệnh khác có biểu hiện tương tự như viêm phổi dạng suyễn viêm phổi khò khè…. Đó là do chưa có được các tiêu chuẩn định bệnh, điều trị và theo dõi đúng mức nhất là ở trẻ còn bú. Điều này trong nhiều trường hợp phần chìm bên dưới tảng băng này sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, trước mắt cũng như lâu dài: trẻ thường xuyên bị lên cơn, nhất là về ban đêm làm trẻ không ngủ được, không thể vui chơi, chạy nhảy như các trẻ khác. Trẻ thường xuyên phải nghỉ học, phải đi khám bệnh thậm chí phải đi cấp cứu, nhập viện vì khó thở. Tuy bệnh ít gây tử vong, nhưng rất đáng tiếc là theo TCYTTG hàng năm cũng có khoảng 25.000 trẻ em chết vì suyễn trên toàn thế giới, nhất là khi hầu hết đều là những trường hợp tử vong không đáng có.

III/ LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐƯỢC TRẺ BỊ SUYỄN ?

– Cần nghi ngờ là suyễn khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu sau:

+ Trẻ có tiền sử:

Ho: tái đi tái lại nhiều lần, nhất là khi chỉ xuất hiện hay nặng hơn về ban đêm.

Khò khè, cơn khó thở tái phát

+ Khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát kể trên.

– Việc chẩn đoán suyễn thường dễ dàng nhất là khi trẻ đang có cơn suyễn khi đó trẻ có biểu hiện:

+ Ho

+ Khò khè

+ Khó thở: thở ra khó khăn, kéo dài, với hiện tượng thở nhanh hay rút lõm ngực (nghĩa là lồng ngực của trẻ sẽ bị rút lõm khi trẻ hít vào).

–   Riêng với trẻ còn bú, nếu như trước đây việc chẩn đoán suyễn có nhiều khó khăn, thì hiện nay theo TCYTTG, người ta xem là trẻ < 2 tuổi bị suyễn khi trẻ bị khò khè tái phát ít nhất 3 lần, ngay cả khi không có ai trong gia đình có tiền sử suyễn, dị ứng.

–   Tuy nhiên, một vấn đề chúng tôi thường gặp trên thực tế là có sự nhầm lẫn giữa khò khè và triệu chứng nghẹt mũi khá thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ < 3 tháng. Ở lứa tuổi này, do trẻ thở chủ yếu bằng mũi, lỗ mũi của bé thuờng còn nhỏ, chỉ cần tắc mũi một ít, trẻ cũng rất khó chịu, thở khụt khà khụt khịt mà không phải là khò khè thật sự nhưng cũng làm nhiều bậc cha mẹ rất lo âu. Vì vậy trong trường hợp này các bà mẹ cần cho bé đến khám BS chuyên khoa để nhanh chóng đánh giá đúng mức và chẩn đoán chính xác.

–   Việc tiến hành thăm dò chức năng hô hấp là vô cùng hữu ích ở người lớn và ở trẻ lớn giúp phát hiện không ít các trường gợp gọi là “Suyễn giấu mặt”. Nhưng ở trẻ nhỏ, các phương pháp này lại thường rất khó và thậm chí là không thể thực hiện được. Vì vậy, khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ là suyễn thì cần thiết phải được đưa trẻ đi khám chuyên khoa để có định bịnh chính xác và khi cần loại trừ các bệnh khác cũng có các biểu hiện tương tự.

IV. TRẺ BỊ SUYỄN TƯƠNG LAI RA SAO ?

–   Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là khi biết được con em mình bị suyễn thì thường rất lo lắng và thậm chí rất bi quan vì nhiều người vẫn còn giữ những ấn tượng không sáng sủa về những người thân từng đau khổ vì suyễn trong quá khứ. Tuy nhiên ngày nay với sự tiến triển của y học, người ta ngày càng tìm ra được nhiều loại thuốc cắt cơn cũng như dự phòng rất hiệu quả và an toàn. Trong chương trình GDSK trước đây chúng ta biết rằng ở người lớn tuy suyễn là một bệnh không thể chữa dứt nhưng có thể kiểm soát nghĩa là có khả năng làm giảm hoặc không để cơn suyễn tái phát thường xuyên được.

–   Riêng ở trẻ em tuy tỷ lệ suyễn có cao gấp đôi người lớn nhưng tiên lượng suyễn ở trẻ em lại tốt hơn nhiều. Ngày nay người ta thấy rằng: khoảng 20% trẻ dù bị suyễn rất sớm, ngay trong vòng 12 tháng đầu sau sinh, nhưng sẽ không còn triệu chứng sau khi trẻ được 3 tuổi. Muốn như vậy chúng ta cần phải có các biện pháp chăm sóc và điều trị thích hợp để giúp trẻ có được một triển vọng sáng sủa về sau.

V/ CẦN CHĂM SÓC TRẺ BỊ SUYỄN NHƯ THẾ NÀO ?

1. Cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn suyễn:

+ Không để thú vật (chó, mèo…) trong nhà

+ Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ

+ Không để những chất nặng mùi trong nhà. Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Tránh nhang khói.

–   Duy trì không khí sạch và trong lành: Mở rộng cửa sổ khi trời nóng ngột ngạt, khi có khói bếp hoặc trong phòng có mùi khó chịu. Đóng cửa sổ nếu không khí bên ngoài nhiều khói xe, khói nhà máy, bụi phấn hoa.

–   Chổ ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Không dùng gối hoặc nệm rơm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăm mền bằng nước nóng, rồi phơi khô ngoài nắng. Không cho thú vật lên giường hoặc vào nơi trẻ ngủ.

–   Vấn đề ăn uống: ngoài những loại thức ăn mà trẻ bị dị ứng, các nhà chuyên môn cũng thường khuyên tránh bột ngọt, đồ hộp, lòng trắng trứng.

2/ Cần biết cách xử trí đúng khi trẻ có cơn suyễn khởi phát:

a.      Cần biết các dấu hiệu cho biết một cơn suyễn đang đến: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trong trường hợp này nếu được BS hướng dẫn, cần cho trẻ dùng ngay thuốc cắt cơn tác dụng nhanh. Dù trẻ tốt lên cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ. Nếu không, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

b.     Cần biết khi nào đưa trẻ đến BV cấp cứu ngay:

Thuốc cắt cơn không có tác dụng hay chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở nói năng khó nhọc. Trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh sườn và cổ khi thở. Cánh mũi phập phồng. Và nhất là tím tái môi hay đầu ngón tay: Đây là dấu hiệu rất nguy kịch.

3/ Cần biết cách phòng ngừa suyễn ở trẻ em:

–   Nhằm mục đích giúp cho trẻ giảm hoặc không còn cơn suyễn để trẻ có thể sinh hoạt, vui chơi bình thường.

–   Mặc dù có một số trẻ có thể lên cơn suyễn khi gắng sức nhưng quan niệm ngày nay đều thống nhất rằng: không nên ngăn cản hạn chế trẻ vui chơi chạy nhảy vì sẽ để lại nhiều hậu quả không tốt cho phát triển tâm sinh lý của trẻ vốn rất dễ tự ti mặc cảm vì bệnh. Ngược lại trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để các BS hướng dẫn cho trẻ dùng các thuốc ngừa cơn dạng hít hiện có nhiều nơi và rất hiệu quả trước khi trẻ vui chơi, chạy nhảy. Cũng cần nên biết là khoảng 10% vận động viên Hoa Kỳ tham dự Thế vận hội năm 1996 cũng mắc bệnh suyễn.

–   Để phòng ngừa suyễn có 2 biện pháp: biện pháp không dùng thuốc và biện pháp có dùng thuốc:

. Biện pháp không dùng thuốc: là những biện pháp chăm sóc chung như chúng ta đã nêu ở trên.

. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ cần sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài:

+ Khi trong một tuần: trẻ có từ 1 cơn trở lên

+ Khi trong một tháng: trên 2 lần trẻ bị thức giấc vì cơn suyễn trong đêm

+ Khi trẻ phải dùng thuốc để cắt cơn suyễn mỗi ngày.

Trong trường hợp này nhất thiết phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được BS hướng dẫn dùng thuốc phòng ngừa. Đây là những thuốc dùng dưới dạng hít nên thuốc có tác dụng trực tiếp lên đường thở, rất hiệu quả, an toàn và không hề gây nghiện. Riêng đối với trẻ em lại càng cần phải được thầy thuốc hướng dẫn kỹ càng cách dùng và thường cần có những dụng cụ hỗ trợ đặc biệt để giúp trẻ sử dụng thuốc đúng cách và đạt hiệu quả tốt. Điều cần chú ý là trong trường hợp này, thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường là nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở vốn đã khá quan trọng. Cần cho trẻ tái khám đúng hẹn để theo dõi hiệu quả của thuốc. Điều cần ghi nhớ là cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc và không bao giờ tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn vì trong giai đoạn này trẻ khỏe là nhờ thuốc có tác dụng. Và dù trẻ có được dùng thuốc ngừa đi nữa thì các biện pháp chăm sóc chung là cũng không thể thiếu được

– Hiện nay tại khu vực TPHCM đã có phòng khám và quản lý suyễn dành riêng cho trẻ em tại BVND I, II.

VI/ KẾT LUẬN:

–   Suyễn ở trẻ em là một vấn đề y tế – xã hội quan trọng đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức không chỉ của ngành y tế mà của cả các bậc cha mẹ vì nếu không nó sẽ như một tảng đá ngầm tai hại có thể dẫn tới những hậu quả xấu mà lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể tránh được.

–         Chúng ta cần chú ý phát hiện đúng lúc, chăm sóc trẻ đúng cách cũng như tuân thủ đúng mức các hướng dẫn điều trị cần thiết để giúp con em chúng ta có được điều kiện phát triển tốt để trở thành người khỏe mạnh, hữu ích cho gia đình và xã hội sau này.