Sống chung với tử thần
Fahrul Raji, một thanh niên khoảng 30 tuổi nhưng sức khỏe không được tốt, anh thường bị đau đầu, người luôn bải hoải và miệng khô, đắng. Theo BS. Stephan Bose-O’Reilly, người đang xét nghiệm cho Fahrul thì anh bị nhiễm độc thủy ngân mạn tính. Vị thầy thuốc người Đức này đã bắt đầu nghiên cứu về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe người dân Indonesia cách đây 1 thập niên. Ông cho biết: “Fahrul Raji đã tiếp xúc với thủy ngân trong suốt nhiều năm, anh ta đã cho thấy những hội chứng điển hình của nhiễm độc thủy ngân”.
Mặc dù sử dụng thủy ngân trong lĩnh vực khai thác vàng quy mô nhỏ ở Indonesia được cho là bất hợp pháp, tuy nhiên nhiều thợ mỏ vẫn tiếp tục sử dụng nó để trích xuất vàng từ đất, đá. Fahrul Raji không phải là thợ mỏ mà anh có một cửa hàng vàng ở Kereng Pangi. Hàng ngày, cánh thợ mỏ mang đến cho anh thành quả lao động của họ – thường là những mẫu vàng nhỏ bằng hạt đậu có dính lẫn thủy ngân. Khi Fahrul nấu vàng thì thủy ngân bay hơi để lại vàng nguyên chất. Đó chính là lý do khiến cho những người nấu vàng như Fahrul thường nhiễm độc chất thủy ngân hơn thợ mỏ sử dụng nó tại mỏ vàng. BS. Stephan Bose-O’Reilly giải thích: “Thủy ngân là một chất độc thần kinh. Nó ảnh hưởng đến tiểu não – một phần não chịu trách nhiệm cho việc di chuyển đúng cách và phối hợp với các chuyển động của con người. Thủy ngân gây hại cho thận và các cơ quan nội tạng khác và không thể đảo ngược những tổn thương thần kinh này”.
Thủy ngân, chất độc thường được dùng trong việc đào đãi vàng ở Indonesia.
|
Thực ra, vụ nhiễm độc thủy ngân tồi tệ nhất đã diễn ra tại Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ 20. Những hội chứng bệnh đã diễn ra từ từ tại làng chài Minamata. Lúc đầu, không ai giải thích được vì sao giọng nói của mình trở nên bất bình thường, hay di chuyển trở nên khó khăn. Họ gặp trục trặc khi nuốt, hoặc run rẩy không thể kiểm soát. Trẻ em chào đời tại làng Minamata trở thành trẻ bại liệt. Hàng ngàn người chết trong hội chứng bệnh gọi là dịch bệnh Minamata. Nhưng trong suốt 30 năm, cho đến thập niên 1960, căn nguyên của dịch bệnh mới được xác định: một xưởng sản xuất nhựa tại Minamata đã bơm thủy ngân ra vịnh biển. Thủy ngân làm ô nhiễm cá, nguồn thực phẩm chính của cư dân địa phương.
Fahrul đang rất lo lắng về tác động của thủy ngân đối với sức khỏe của mình, song anh cũng không có ý định sẽ đổi nghề. Ngay cả khi biết mình mắc bệnh, Fahrul vẫn tự nhủ rằng bệnh không đáng kể. Tuy nhiên, nếu Fahrul tiếp tục nấu vàng trong cửa hàng và hít khói độc thì bệnh của anh sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Ước tính có khoảng 10 – 15 triệu thợ mỏ “hoạt động chui” tại 70 quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp khai thác vàng quy mô nhỏ (ASGM) là nguồn gây ô nhiễm thủy ngân lớn nhất thế giới, đứng đầu là đốt nhiên liệu hóa thạch.
Môi trường, đất đai và lúa gạo bị nhiễm độc
Ở miền Trung Kalimantan, tác động của khai thác vàng có sử dụng thủy ngân đã khiến cho môi trường bị tàn phá nặng nề. Xung quanh Kereng Pangi, cánh thợ mỏ đã phát quang rừng nguyên sinh, vốn là nơi sinh sống của đười ươi và chim mỏ sừng. Nơi đây có quang cảnh giống như trên mặt trăng, khi mà các hồ nước chứa đầy thủy ngân.
Thủy ngân là một chất gây ô nhiễm kéo dài – nó không phân hủy trong môi trường. Trên hòn đảo Lombok của Indonesia, thủy ngân kết hợp với xyanua càng làm nhân đôi sự tàn phá trầm trọng. Xyanua giúp làm tan rã thủy ngân và khi thủy ngân xâm nhập vào các đồng lúa, nó sẽ bó chặt các phân tử hữu cơ trong môi trường, trở thành methyl thủy ngân. Khai thác vàng có dùng thủy ngân đã làm nhiễm độc nhiều quốc gia trồng lúa ở Đông Nam Á.