Mất ngủ vì lạm dụng thuốc ngủ

MẤT NGỦ VÌ LẠM DỤNG THUỐC NGỦ

 

Nhiều bệnh nhân mất ngủ hàng chục năm do tự uống thuốc ngủ. Việc lạm dụng thuốc ngủ càng kéo dài, càng gây khó khăn trong điều trị.

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh nhân cần phải điều trị đúng bệnh lý, không nên lạm dụng thuốc ngủ.

mat ngu vi lam dung thuoc

Đo đa ký giấc ngủ cho bệnh nhân tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC – TP.HCM

22 năm thao thức
Bệnh nhân (BN) N.C.Th., 56 tuổi (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), bị mất ngủ suốt 22 năm nay. Mỗi đêm, ông chỉ chợp mắt được một, hai tiếng. Ông cho biết, kể từ khi mọi người trong gia đình sang Úc định cư, chỉ còn mình ông ở lại Việt Nam, cuộc sống đổi thay khiến ông hay mất ngủ. Các bác sĩ (BS) chẩn đoán, chứng mất ngủ của ông do bị bệnh trầm cảm gây ra.
 
Bà H.K.L. 50 tuổi (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), bị mất ngủ suốt 18 năm, không rõ nguyên nhân. Mỗi đêm, bà L. chỉ ngủ được một đến hai giờ. Vì không chịu nổi cảnh thức khuya nên bà ra tiệm thuốc Tây gần nhà mua loại thuốc giúp ngủ ngon. Thế nhưng, sau đó, tình trạng rối loạn giấc ngủ vẫn không được cải thiện nên bà quyết định mua loại thuốc có hoạt chất gây ngủ nặng “đô” hơn. Sau đó, tình trạng mất ngủ của bà L. có phần cải thiện nhưng gần đây, bà trở lại tình trạng thức trắng đêm.
 
BS Hoàng Đinh Hữu Hạnh – BV ĐH Y Dược TP.HCM – cho biết, bà L. mất ngủ do lệ thuộc quá nhiều vào thuốc ngủ. Một số loại thuốc ngủ có chứa chất gây nghiện. Do bà L. uống các loại thuốc này trong một thời gian dài đã dẫn đến lờn thuốc. Cũng theo BS Hạnh, ngoài những BN mất ngủ do lớn tuổi, do bị suy nhược thần kinh dẫn đến oxy lên não thiếu, còn có những BN trẻ nhưng bị trầm cảm.
 
BS Trần Duy Tâm – BV Tâm thần TP.HCM – giải thích, rối loạn giấc ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra như: bệnh lý tâm thần kinh (trầm cảm, lo âu, loạn tâm thần, stress), bệnh lý cơ thể (đau đầu, đau khớp, ung thư…); môi trường và tập quán sống (nhà cửa chật chội, ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm, thời tiết nóng bức, quá nhiều ánh sáng).
 
Một nghiên cứu mới đây của BV Tâm thần TP.HCM cho thấy, có đến 50% – 60% BN mất ngủ do các rối loạn của bệnh lý tâm thần kinh gây ra. BV Tâm thần TP.HCM đã tiếp nhận và tư vấn cho không ít trường hợp là các bà nội trợ, người kinh doanh mất ngủ do kinh tế khó khăn.

Cũng theo BS Trần Duy Tâm, tình trạng mất ngủ ngày càng tăng cao ở các đô thị lớn vì lối sống công nghiệp khiến cuộc sống căng thẳng. Tại Mỹ, 30% dân số bị rối loạn giấc ngủ ít nhất một lần trong đời, trong đó có một nửa BN không được điều trị.

Các BS cho biết, giấc ngủ ổn định sẽ giúp não nghỉ ngơi và mau hồi phục, riêng trẻ sơ sinh, giấc ngủ còn giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn. Do đó, nếu thiếu ngủ, trí nhớ bị giảm sút, nhức đầu, tính tình cáu gắt, tim đập nhanh, tụt huyết áp, tiểu đường, suy tim.

20% ca điều trị không thành công
Mỗi tháng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC – TP.HCM tiếp nhận 200 – 250 ca mất ngủ, trong số này, có đến 20% BN điều trị không thành công do lạm dụng thuốc ngủ. Khi bắt đầu có dấu hiệu lờn thuốc, nhiều BN tự tìm cách tăng liều để “được ngủ”, khiến mức độ lờn thuốc càng nặng hơn.
 
Theo BS Hoàng Đinh Hữu Hạnh, với những BN mất ngủ do lạm dụng thuốc ngủ chứa chất gây nghiện, bước đầu, các BS cho BN chuyển từ thuốc gây nghiện đang sử dụng sang thuốc gây nghiện khác. Sau đó, BN được giảm liều thuốc gây nghiện và chuyển hẳn sang thuốc không gây nghiện. Cuối cùng, BN được điều trị bằng thảo dược.
 
Điều đáng lo ngại là hiện nay, người bệnh mua thuốc ngủ chứa chất gây nghiện quá dễ dàng, chỉ cần 2.000đ – 6.000đ đã mua được một viên thuốc ngủ. Khi đã uống thuốc ngủ chứa chất gây nghiện, BN khó bỏ được thuốc, vì nếu thiếu thuốc sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi. Đối với những BN đã “thử qua” tất cả các loại thuốc ngủ có chất gây nghiện, việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Các BS cho biết, để điều trị rối loạn giấc ngủ, cần phải tiến hành từng bước để phát hiện nguyên nhân, tránh lãng phí tiền bạc của người bệnh. Trước hết, BS phải tìm hiểu tâm sinh lý, xét nghiệm máu rồi mới đo đa ký giấc ngủ. Nếu người bệnh mất ngủ do mắc phải các bệnh lý, cần tìm đến các BS chuyên khoa. Điển hình, bệnh tim cũng gây khó ngủ do ngộp thở vì thiếu oxy nên phải đến chuyên khoa tim mạch. Đôi khi, để điều trị mất ngủ, BN chỉ đơn giản điều chỉnh lối sống.

BS Trần Duy Tâm phân tích, một giấc ngủ tốt không phải dựa vào độ dài giấc ngủ, mà người ngủ phải cảm nhận được đó là giấc ngủ sảng khoái, lấy lại được sức lực sau đó. Chính vì vậy, để có giấc ngủ ngon, cần phải vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, tránh tiếng ồn, không để đèn quá sáng, ngủ đúng giờ sinh học của cơ thể, không sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước cam (chứa nhiều vitamin C) trước lúc ngủ. Ngoài ra, tránh vận động nặng hay tập thể dục trước lúc ngủ. Khi nằm lên giường ngủ, không được đọc sách, coi tivi, “nấu cháo” điện thoại… vì như thế sẽ khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ.