Hơi thở hôi – Điều trị

ĐIỀU TRỊ HƠI THỞ HÔI

bad-breath a

Vệ sinh miệng thường xuyên – lời khuyên dành cho mọi người

Điều trị chủ yếu của hơi thở hôi từ trong miệng là vệ sinh miệng tốt. Cố gắng tạo thói quen thường xuyên vệ sinh miệng tốt – nhất là đánh răng và làm sạch kẽ răng.
Đánh răng
Đánh răng ít nhất hai lần một ngày. Dùng bàn chải mềm và kem đánh răng có chứa fluoride. Đầu bàn chải nên nhỏ để đưa vào tất cả mọi vùng của miệng. Đánh răng ít nhất trong hai phút mọi vùng (bên trong, bên ngoài và mặt nhai của mỗi răng). Chú ý đặc biệt đến nơi răng giáp với nướu. Thay bàn chải đánh răng mới mỗi 3 – 4 tháng. Các nghiên cứu cho thấy rằng bàn chải đánh răng có pin, với tác động xoay tròn và đảo chiều (bàn chải đột ngột thay đổi chiều hướng xoay) làm bong các đốm và các cặn bã tốt hơn bàn chải thủ công.
Lý tưởng là đánh răng trước khi ăn hoặc sau khi ăn ít nhất một giờ. Điều này giúp ngăn ngừa răng bị mòn. Nhiều loại thức ăn có chứa acid. Đặc biệt là thức uống có hơi và nước trái cây. Sau khi tiếp xúc acid, men răng bị mềm chút ít. Nhưng calcium và các muối khoáng khác trong nước bọt có thể giúp chống lại và đảo ngược tác dụng này. Do đó, không đánh răng ngay sau khi ăn, lúc men răng mềm nhất. Nhất là sau khi ăn hoặc uống thức ăn thức uống acid. Tốt nhất là đợi ít nhất một giờ sau ăn hoặc uống rồi mới đánh răng.
Làm sạch kẽ răng
Làm sạch kẽ răng sau khi đánh răng một lần một ngày, nhưng tốt nhất là hai lần một ngày, để bóc các đốm khỏi kẽ răng. Chỉ răng thường được sử dụng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại cho rằng bàn chải kẽ răng nhỏ tốt hơn. Mục đích là làm sạch các bờ răng mà bàn chải không vào được và làm sạch cặn bã ở khoảng kẽ giữa các răng. Một số người chưa từng làm sạch kẽ răng không ngờ rằng thức ăn và cặn bã lại có thể còn nhiều đến như thế sau khi đánh răng.
Nếu bạn không biết biết rõ cách làm sạch kẽ răng, hãy hỏi nha sĩ. Một cách vắn tắt: chỉ răng trông giống một sợi chỉ. Cắt ra khoảng 40 phân. Quấn mỗi đầu vào ngón giữa mỗi tay. Sau đó nắm bằng ngón cái và ngón trỏ để kéo thẳng một đoạn 3 – 4 phân, có thể kéo giữa các các răng. Nhẹ nhàng dùng chỉ răng nạo các mặt bên của từng răng bắt đầu từ nướu. Sử dụng đoạn chỉ mới cho mỗi lần.
Một số người thích loại chỉ răng dẹp, trượt giữa các răng dễ dàng hơn loại chỉ răng thường. Một số người thích loại nĩa nhựa có một đoạn chỉ ngắn dùng một lần. Chúng dễ giữ và dễ điều khiển hơn, tuy nhiên lại mắc tiền. Một số người sử dụng tăm hoặc bàn chải đánh kẽ răng nhỏ để vệ sinh khoảng giữa các răng.
Nướu răng có thể chảy máu chút ít khi bạn bắt đầu làm sạch kẽ răng. Nó sẽ ổn trong vài ngày. Nếu kéo dài hãy gặp nha sĩ, bởi vì chảy máu thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh nướu răng.
Thức ăn và thức uống
Đường và thức ăn có đường trong miệng là những thức ăn chính mà vi khuẩn cần để tạo ra acid, góp phần làm hư răng. Thức ăn thức uống acid cũng là yếu tố chính làm mòn răng. Do đó:
+ Hạn chế số lượng thức ăn thức uống ngọt. Nhất là đừng ăn vặt thức ăn ngọt.
+ Cố gắng giảm số lượng acid tiếp xúc với răng của bạn. Hạn chế thức uống có hơi (kể cả nước có hơi) và nước trái cây bởi vì chúng có xu hướng acid. Có lẽ bạn nên hạn chế chỉ uống một ly thức uống có ga hoặc một ly nước trái cây mỗi ngày. Thay vào đó hãy chọn thứ ít acid hơn nhiều, như là nước lọc, sữa, trà hoặc cà phê (không đường).
+ Uống nhanh các thức uống acid, như thức uống có hơi và nước trái cây. Không ngậm chúng trong miệng bất kỳ bao lâu.
+ Đánh răng sau khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, đặc biệt là thức ăn thức uống acid, sau ít nhất một giờ.
+ Tương tự, không đánh răng trong vòng một giờ sau khi ói (bởi vì dịch acid của dạ dày sẽ lẫn trong chất ói).
Các mẹo chung khác
Các thứ quan trọng khác giúp giữ răng và nướu răng của bạn mạnh khỏe là:
+ Nếu bạn hút thuốc lá, hãy cố gắng ngưng hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng.
+ Nếu trẻ em cần uống thuốc, hãy sử dụng các thuốc không đường nếu được.
+ Khám kiểm tra răng đều đặn, định kỳ theo lời khuyên của nha sĩ (thông thường ít nhất một lần mỗi năm). Nha sĩ có thể phát hiện đốm răng và nạo cao răng. Bệnh nướu răng có thể được phát hiện và điều trị sớm, ngăn ngừa chúng trở nặng.
Những việc khác có thể thực hiện nếu bạn có hơi thở hôi
Các biện pháp kể trên thường đủ để chăm sóc răng và ngăn ngừa hơi thở hôi. Tuy nhiên nếu bạn vẫn có hơi thở hôi, các biện pháp bổ sung sau đây thường chữa trị dứt được.
Súc miệng
Xem xét việc súc miệng mỗi ngày. Các hóa chất trong nước súc miệng dùng để giết vi khuẩn và/hoặc trung hòa bất kỳ hóa chất nào gây ra hơi thở hôi. Thật khó để khuyên loại nước súc miệng nào hiệu quả nhất. Chúng gồm có: chlorhexidine, cetylpyridinium chloride, chlorine dioxide, zinc chloride và triclosan. Các nước súc miệng khác nhau bạn mua được thường có chứa một hoặc nhiều trong số những chất này, cùng với những thành phần khác.
Lưu ý: Một số người không muốn sử dụng lâu dài nước súc miệng có chứa chlorhexidine, bởi vì nó có mùi khó chịu, có thể gây ra cảm giác phỏng miệng nếu sử dụng quá thường xuyên và có thể làm răng nhuộm màu (màu có thể mất đi sau này). Ngoài ra, một số nước súc miệng có chứa rượu. Có lo lắng rằng sử dụng nước súc miệng có chứa rượu là một yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng. Trẻ nhỏ không nên sử dụng nước súc miệng nếu chúng có thể nuốt nó.
Vệ sinh lưỡi
Hãy xem xét đến việc vệ sinh phần sau lưỡi mỗi ngày. Một số người sử dụng bàn chải mềm nhúng vào nước súc miệng (không phải kem đánh răng). Một cách dễ dàng hơn và tốt hơn là mua một nạo lưỡi nhựa đặc biệt tại nhà thuốc tây. Bạn cần phải đặt nó càng về phía sau lưỡi càng tốt và sau đó nhẹ nhàng nạo về phía trước để làm sạch lưỡi khỏi bất kỳ lớp bựa nào. Một bài báo tổng quan kết luận rằng “nạo lưỡi hoặc làm sạch lưỡi hữu hiệu hơn đánh răng chút ít trong việc kiểm soát hơi thở hôi ở người lớn”.
Kẹo cao su
Một số người nhai kẹo cao su không đường sau mỗi bữa ăn. Người ta không rõ kẹo cao su làm giảm hơi thở hôi đến đâu, nhưng nhai kẹo cao su làm tăng dòng nước bọt. Nước bọt giúp miệng làm trôi bất cứ cặn bã nào còn lại sau bữa ăn.
Nếu bạn có răng giả và bị hơi thở hôi
Bạn có thể không làm sạch chúng đúng mức. Hãy hỏi nha sĩ về cách vệ sinh răng giả.
Khi nào cần đến giúp đỡ thêm
Nếu hơi thở hôi không khỏi
Nếu bạn đã làm đủ mọi thứ bạn có thể làm mà hơi thở vẫn hôi, hãy gặp bác sĩ hoặc nha sĩ. Bạn có thể cần đến một số thử nghiệm để xem bạn có một nguyên nhân hơi thở hôi ít gặp hơn không.
Lo sợ hơi thở hôi
Một số người nghĩ rằng họ có hơi thở hôi khi họ không có và không người nào khác ngửi được. Điều này sinh ra các hành vi kỳ lạ để cố gắng làm giảm điều mà họ nghĩ là hơi thở hôi. Thí dụ như họ có thể che miệng khi nói chuyện, tránh gặp hoặc giữ khoảng cách với người khác, hoặc tránh hội hè. Người mắc bệnh lo sợ hơi thở hôi thường đánh răng và nạo lưỡi, thường xuyên nhai kẹo cao su, kẹo bạc hà, dùng nước súc miệng và thuốc xịt với hy vọng làm giảm lo lắng của họ. Bác sĩ tâm thần có thể giúp họ điều trị.
Nguồn: www.patient.co.uk