Hô hấp ký

HÔ HẤP KÝ

spirometry

Hô hấp ký là một phương pháp giúp chẩn đoán các bệnh lý phổi, thường gặp nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hô hấp ký cũng được dùng để theo dõi mức độ nặng nhẹ của một số bệnh lý phổi khác và sự đáp ứng điều trị của chúng.

Hô hấp kế và hô hấp ký là gì?
Hô hấp ký là xét nghiệm chức năng phổi thường dùng nhất. Những thử nghiệm này cho biết phổi của bạn hoạt động tốt đến mức nào, tức là bạn hít vào và thở ra tốt đến mức nào. Hít vào và thở ra có thể bị tác động bởi các bệnh phổi như là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, xơ hóa phổi và xơ nang.
Hô hấp ký là tên của xét nghiệm, hô hấp kế là thiết bị dùng để đo đạc.
Có nhiều loại hô hấp ký khác nhau do các công ty khác nhau sản xuất, nhưng tất cả đều đo cùng một thứ. Tất cả đều có một ống để bạn thổi vào thiết bị. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm hô hấp ký nếu bạn có các triệu chứng ở ngực hoặc ở phổi.
Hô hấp ký được thực hiện như thế nào?
Nếu chưa từng đo hô hấp ký, bạn sẽ cân và đo chiều cao. Đối với chính hô hấp ký, bạn cần thở vào máy hô hấp kế. Đầu tiên bạn hít vào hết sức và sau đó ngậm chặt môi quanh ống thở của hô hấp ký. Rồi thở ra càng nhanh càng tốt và càng lâu càng tốt cho đến khi hết sức. Có thể mất vài giây. Bạn cũng có thể được yêu cầu hít vào hết sức và rồi thở ra chậm càng lâu càng tốt.
Kẹp mũi được dùng để chắc chắn rằng không khí không bị thoát ra khỏi mũi bạn. Việc đo đạc có thể lập lại hai hoặc ba lần để kiểm tra xem những lần thổi vào máy có giống nhau không.
Hô hấp kế đo những gì?
Hô hấp ký đo thể tích phổi và tốc độ không khí được hít vào và thở ra.
Các số đo thường gặp nhất là:
+ FEV1 – Thể tích thở ra gắng sức trong một giây. Đó là số lượng không khí bạn có thể thổi ra trong một giây. Nếu phổi và đường thở bình thường, bạn có thể thổi ra hầu hết không khí khỏi phổi trong vòng một giây.
+ FVC – Dung tích sống gắng sức. Đó là thể tích khí bạn có thể thổi ra tối đa.
+ FEV1/FVC. Đó là tỷ lệ không khí bạn có thể thổi ra trong một giây so với dung tích sống gắng sức.
Các số đo cho biết những gì?
Kết quả hô hấp ký có thể cho biết thể tích và thông khí phổi của bạn là bình thường hoặc:
+ Tắc nghẽn: Đường dẫn khí không được thông thoáng
+ Hạn chế: Thể tích phổi nhỏ hơn bình thường
+ Kiểu kết hợp cả tắc nghẽn lẫn hạn chế
Hô hấp ký bình thường
Số đo bình thường thay đổi tùy theo tuổi, chiều cao và giới tính. Trị số bình thường được in trên một biểu đồ và bác sĩ kiểm tra số đo hô hấp ký của bạn theo trị số này.
Kiểu tắc nghẽn trên hô hấp ký
Điển hình trong các bệnh gây hẹp đường thở. Các tình trạng gây hẹp đường thở và gây ra kiểu hô hấp ký tắc nghẽn là suyễn và COPD. Hô hấp ký do đó giúp chẩn đoán các tình trạng này.
Nếu đường thở của bạn hẹp, số lượng không khí bạn có thể thổi nhanh ra bị giảm. FEV1 bị giảm và tỉ lệ FEV1/FVC thấp hơn bình thường. Theo qui luật, bạn có khả năng mắc một bệnh làm hẹp đường thở nếu:
+ FEV1 thấp hơn 80% trị số dự đoán đối với tuổi, giới tính và kích thước của bạn.
+ Tỉ lệ FEV1/FVC là 0,7 hoặc thấp hơn.
Tuy nhiên, với đường thở hẹp, tổng dung lượng phổi bạn thường là bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ. Do đó, với kiểu tắc nghẽn FVC thường là bình thường hoặc gần bình thường.
Hô hấp ký cũng có thể giúp đánh giá điều trị (TD. thuốc dạng hít) có mở đường thở ra không. Số đo hô hấp ký sẽ cải thiện nếu đường thở bị hẹp mở rộng hơn sau khi thử thuốc. Điều này được gọi là sự hồi phục. Một cách tổng quát, COPD được phân bậc tùy theo độ nặng, theo số đo FEV1 sau khi cho thuốc dãn phế quản để làm dãn đường thở ra. Đáp ứng này không nhiều như trong suyễn. Các trị số sau đây giúp chẩn đoán COPD và độ nặng của nó:
+ COPD nhẹ – FEV1 80% hoặc hơn so với trị số dự đoán. Điều này có nghĩa rằng người COPD nhẹ có thể có hô hấp ký bình thường sau khi thử thuốc dãn phế quản.
+ COPD trung bình – FEV1 50 – 79% so với trị số dự đoán sau khi thử thuốc dẫn phế quản.
+ COPD nặng – FEV1 30 – 49% so với trị số dự đoán sau khi thử thuốc dẫn phế quản.
+ COPD rất nặng – FEV1 thấp hơn 30% so với trị số dự đoán sau khi thử thuốc dẫn phế quản.
Kiểu hạn chế trên hô hấp ký
Với kiểu hô hấp ký hạn chế FVC của bạn thấp hơn trị số dự đoán đối với tuổi, giới tính và chiều cao của bạn. Điều này gây ra bởi các tình trạng khác nhau, tác động đến chính mô phổi hoặc tác động đến khả năng dãn ra của phổi để chứa một số lượng không khí bình thường. Các tình trạng gây xơ hóa hoặc tạo sẹo phổi cho ra kiểu hô hấp ký hạn chế. Một số biến dạng vật lý làm hạn chế sự dãn nở của phổi cũng có thể gây ra tác động hạn chế. FEV1 của bạn cũng giảm nhưng giảm tương xứng với FVC giảm. Do đó với kiểu co thắt tỉ số FEV1/FVC bình thường.
Kiểu kết hợp tắc nghẽn và hạn chế trên hô hấp ký
Trường hợp này bạn có thể có hai tình trạng – thí dụ suyễn với một rối loạn phổi khác. Ngoài ra, một số tình trạng phổi có đặc tính của cả kiểu tắc nghẽn và co thắt. Thí dụ như bệnh xơ hóa nang có nhiều chất nhầy trong đường thở, gây ra hẹp đường thở (gây ra phần tắc nghẽn của hô hấp ký) và có thể gây tác hại mô phổi (dẫn đến phần hạn chế).
Hô hấp ký có giống số đo lưu lượng đỉnh ký không?
Không. Lưu lượng đỉnh kế là một thiết bị nhỏ đo tốc độ nhanh nhất của không khí bạn thổi ra khỏi phổi. Giống hô hấp ký, nó có thể phát hiện đường thở bị hẹp. Nó thuận tiện hơn hô hấp ký và thường được sử dụng để giúp chẩn đoán suyễn. Nhiều người mắc bệnh suyễn cũng sử dụng lưu lượng đỉnh ký để theo dõi suyễn của họ. Đối với người mắc bệnh COPD, số đo lưu lượng đỉnh có thể hữu ích để cho một khái niệm sơ bộ về mức độ hẹp đường thở, nhưng nó có thể đánh giá mức độ nặng của COPD thấp hơn thực tế. Do đó, hô hấp ký là một thử nghiệm chính xác hơn để chẩn đoán và theo dõi người mắc bệnh COPD.
Cần chuẩn bị gì trước khi đo hô hấp ký?
Bạn nên hỏi chỉ dẫn của các bác sĩ, điều dưỡng hoặc của nơi tiến hành thử nghiệm này. Luôn luôn tuân thủ cẩn thận các chỉ dẫn này. Chúng có thể gồm có những việc như là không sử dụng thuốc dãn phế quản dạng hít trong một khoảng thời gian nhất định trước khi thử nghiệm (vài giờ hoặc hơn, tùy loại thuốc hít). Ngoài ra không được uống rượu, ăn nhiều hoặc thể thao nặng trong vài giờ trước khi thử nghiệm. Lý tưởng nhất là bạn không nên hút thuốc trong vòng 24 giờ trước khi thử nghiệm.
Có nguy cơ nào khi đo hô hấp ký không?
Hô hấp ký là một thử nghiệm có nguy cơ rất thấp. Tuy nhiên, thổi ra mạnh có thể làm tăng áp suất trong ngực, bụng và mắt của bạn. Do đó bạn có thể được khuyên không đo hô hấp ký nếu bạn:
+ Đau ngực không ổn định.
+ Vừa bị tràn khí màng phổi (không khí bị giữ trong khoảng giữa phổi và thành ngực).
+ Vừa bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
+ Vừa mổ mắt hoặc mổ bụng.
+ Vừa bị ho ra máu và không rõ nguyên nhân.
Thử thuốc dãn phế quản
Thử thuốc dãn phế quản được tiến hành trong một số trường hợp khi chẩn đoán tình trạng phổi không rõ ràng. Bạn sẽ được yêu cầu đo hô hấp ký như trên. Sau đó bạn được cho thuốc bằng ống hít hoặc máy phun sương để làm dãn phế quản. Đo lại hô hấp ký sau khoảng 30 phút. Mục đích của thử thuốc là xem đường thở của bạn có dãn rộng hơn sau khi dùng thuốc hay không. Nói chung, suyễn có nhiều khả năng dãn phế quản hơn là COPD.
Hô hấp ký không làm được gì?
Mặc dù hô hấp ký cho biết loại, kiểu và mức độ nặng nhẹ của bệnh phổi, nó không cho biết chất lượng cuộc sống của bạn.
Hô hấp ký là xét nghiệm cơ bản nên nhiều trường hợp bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm khác (nội soi, chụp CT,…) dựa trên những thông tin ban đầu, rất quý giá của hô hấp ký.
Nguồn: www.patient.co.uk