Hãy đồng hành cùng Bác sĩ của bạn để quản lý hen suyễn một cách tốt nhất qua việc thăm khám định kỳ, dùng thuốc lâu dài, đúng cách và tránh những yếu tố có thể gây cơn hen kịch phát. Đây là chìa khóa vàng trong việc kiểm soát hen của bạn.
Theo hiệp hội phòng chống hen toàn cầu (GINA), hen phế quản (suyễn) là tình trạng viêm mãn tính đường dẫn khí. Tình trạng viêm này làm cho đường dẫn khí trở nên dễ phản ứng hơn khi bệnh nhân tiếp xúc với dị ứng nguyên và các yếu tố kích thích, từ đó gây ra cơn hen cấp với các triệu chứng điển hình là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực.
Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 300 triệu người thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc mắc bệnh hen. Theo dự đoán, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.
Ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh hen khoảng 5% tương đương với khoảng 4 triệu bệnh nhân hen. Hàng năm bệnh hen làm cho 25% bệnh nhân phải nhập viện, 42% trẻ nghỉ học, 29% người lớn nghỉ làm và mỗi năm có khoảng 3.000 người chết do hen. Hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng là do sự coi nhẹ bệnh hen cũng như hiểu biết về hen của người dân còn hạn chế. Theo điều tra trên 3.008 người Hà Nội cho thấy, 78% không biết hen có thể kiểm soát được, 75% không biết về các thuốc điều trị hen, 55% không biết cách ngừa cơn hen và 50% không biết nguyên nhân gây ra hen…
Hen suyễn không được điều trị gây ra những gánh nặng to lớn cả trực tiếp và gián tiếp cho bệnh nhân. Hen khiến cho chất lượng cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân rất thấp bởi những bất an cũng như những lo lắng về đợt kịch phát. Kết quả của nghiên cứu tiến hành trên 2184 bệnh nhân tại 11 nước thuộc châu Mỹ- Latinh cho thấy, hen không được kiểm soát khiến cho hơn 50% bệnh nhân hen có triệu chứng vào ban ngày, phải thức giấc vào ban đêm, hay phải nhập viện hoặc đi khám không theo lịch hẹn. Đa số các bệnh nhân này cho thấy họ bị hạn chế trong các hoạt động hàng ngày như công việc nhà, khi ngủ, hoạt động thể lực bình thường, định hướng nghề nghiệp, suy giảm năng suất lao động hay các hoạt động thể thao sáng tạo cũng như phong cách sống và hoạt động xã hội, trong đó 58% trẻ em và 31% người lớn phải nghỉ học hay nghỉ làm do những tác động xấu mà hen mang lại. Những tác động xấu này khiến bệnh nhân hen luôn cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân cũng như khó hòa nhập cùng xã hội.
Thêm vào đó, hen không được kiểm soát gây ra tử vong, tàn phế, hay các phí tổn lớn khi nhập viện. Tỉ lệ tử vong cao là do hen diễn tiến rất nhanh. Khi lên cơn hen nặng nếu bệnh nhân không có thuốc cắt cơn bên mình hay không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy não và các cơ quan khác, nếu tình trạng này kéo dài, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: không nói được thành lời, tím tái đầu chi và môi, dẫn đến mất ý thức, ngất… và có thể tử vong. Diễn biến cơn hen rất khó lường, bệnh nhân hen nhẹ cũng có khi lên cơn rất nặng hay nguy kịch làm người bệnh không trở tay kịp nên dễ tử vong hay hôn mê kéo dài nếu không cấp cứu kịp thời.
Trước những hiểm họa khó lường và không đáng có đó, cuối năm 2011 Bộ Y Tế đã cho phép các thuốc điều trị hen suyễn tốt nhất hiện nay được sử dụng tại các bệnh viện quận huyện thay vì chỉ tại các bệnh viện lớn. Vì vậy bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng 80.000 đồng mỗi tháng cho mỗi toa thuốc điều trị hen trung bình là 400.000 đồng để kiểm soát bệnh hen thay cho chi phí trước đây là khoảng gần 320.000 đồng trong trường hợp bệnh nhân vượt tuyến. Và điều quan trọng hơn, bệnh nhân có thể được quản lý hen ngay tại cơ sở y tế gần nhà mà không phải đến các bệnh viện tuyến trên.
Dựa trên các dữ liệu lâm sàng hiện tại, hiệp hội phòng chống hen toàn cầu (GINA) khẳng định: hen có thể được kiểm soát trên hầu hết bệnh nhân nếu họ sử dụng thuốc ngừa cơn hàng ngày, lâu dài theo đúng y lệnh của thầy thuốc và biết cách phòng tránh các yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen như khói thuốc lá, khói bếp, khói nhang, bụi, phấn hoa, nấm mốc, thức ăn lạnh, những đồ ăn hay gây dị ứng như đồ biển, bò, gà… Tuy nhiên, nhiều lúc bệnh nhân không thể tránh khỏi hết các yếu tố khởi phát cơn hen nên việc luôn mang theo thuốc cắt cơn (Salbutamol dạng hít) bên mình là rất quan trọng nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.
Hãy đồng hành cùng Bác sĩ của bạn để quản lý hen một cách tốt nhất qua việc thăm khám định kỳ, dùng thuốc lâu dài, đúng cách và tránh những yếu tố có thể gây cơn hen kịch phát. Đây là chìa khóa vàng trong việc kiểm soát hen của bạn. Khi hen đã được kiểm soát tốt, bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp như bao nhiêu người khỏe mạnh khác. Và khi đó, hen không còn là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.
PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc – Phó chủ nhiệm bộ môn Nội – Trường Đại học Y dược TP.HCM