Dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn

DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG SUYỄN 

 

Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn thường gặp gồm có:

 + Ho. Ho do suyễn thường nặng hơn vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm, khiến khó ngủ.
+ Thở rít. Thở rít là tiếng rít hoặc tiếng sáo xuất hiện khi bạn hít thở.
+ Nặng ngực. Cảm thấy ngực thắt lại hoặc có vật gì đó đè nặng trên ngực bạn.
+ Hụt hơi. Một số người bị suyễn nói rằng họ thở không kịp hoặc thiếu hơi. Bạn cũng có thể cảm thấy không thể đẩy không khí ra khỏi phổi được.
Không phải tất cả mọi người mắc bệnh suyễn đều có những triệu chứng này. Tương tự, có những triệu chứng này không phải bao giờ cũng có nghĩa là bạn mắc bệnh suyễn. Cách tốt nhất để chẩn đoán suyễn một cách chắc chắn là đo chức năng phổi, bệnh sử (gồm có loại và tần số các triệu chứng) và khám thực thể.
Các loại triệu chứng suyễn bạn có, dù thường xuyên và nặng đến mấy, cũng có thể thay đổi theo thời gian. Đôi lúc các triệu chứng chỉ làm bạn khó chịu. Lúc khác, chúng có thể nặng đến độ hạn chế sinh hoạt thường ngày của bạn.
Các triệu chứng nặng có thể gây chết người. Quan trọng là phải điều trị các triệu chứng ngay khi bạn nhận biết chúng để chúng không trở nặng.
Được điều trị đúng mức, hầu hết người mắc bệnh suyễn có thể chỉ có ít hoặc không có các triệu chứng cả vào ban ngày hoặc lúc về đêm.
trieu-chung-hen-suyen
Tại sao có các triệu chứng suyễn?
Nhiều thứ có thể kích phát hoặc làm triệu chứng suyễn nặng hơn. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra những thứ (đôi lúc được gọi là các yếu tố kích phát) có thể khiến suyễn bộc phát, nếu bạn tiếp xúc chúng. Các yếu tố kích phát có thể gồm có:
+ Dị nguyên từ bụi, lông thú, con gián, nấm mốc và phấn hoa từ cây, cỏ và hoa.
+ Chất kích thích như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hóa chất hoặc bụi nơi làm việc, hợp chất trong các sản phẩm trang trí nhà và các chất phun sương (như chất xịt tóc)
+ Các thuốc như aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid và chất ức chế beta không chọn lọc
+ Sulfite trong thức ăn thức uống
+ Nhiễm vi rút đường hô hấp trên, như cảm cúm
+ Vận động thể lực, gồm cả thể dục thể thao
Các tình trạng sức khỏe khác có thể làm suyễn khó quản lý hơn. Thí dụ như sổ mũi, nhiễm trùng xoang, bệnh trào ngược, căng thẳng tâm lý và ngưng thở lúc ngủ. Những tình trạng này cần được điều trị như là một phần trong kế hoạch điều trị suyễn chung.
Suyễn ở mỗi người mỗi khác. Một số yếu tố kích phát liệt kê ở trên có thể không ảnh hưởng đến bạn. Nhưng có thể một số yếu tố kích phát ảnh hưởng đến bạn không có trong danh sách này. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về những gì có vẻ khiến cho suyễn nặng hơn.
Nguồn: Viện Tim, Phổi, Huyết học Quốc gia Hoa Kỳ