Giới thiệu
Tiểu đường là một bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ mỗi năm. Bác sĩ có thể cho biết bạn mắc bệnh tiểu đường. Dù hiện nay không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, có vài phương pháp điều trị có thể kiểm soát được bệnh này.
Thành công của bất cứ phương pháp điều trị tiểu đường nào tùy thuộc phần lớn vào bệnh nhân. Bài này tổng quan các loại tiểu đường khác nhau, cách kiểm soát và điều trị chúng.
Tiểu đường là gì
Cơ thể cấu tạo bởi hàng triệu triệu tế bào, cần có năng lượng để hoạt động. Thực phẩm bạn ăn vào được chuyển thành đường, gọi là glucose. Đường được mang vào các tế bào nhờ tuần hoàn máu. Đường là một trong những chất tế bào cần để tạo ra năng lượng.
Để glucose vào được trong tế bào, cần phải có hai điều kiện. Thứ nhất là các tế bào phải có đủ “cửa”, gọi là thụ thể. Thứ hai là một chất gọi là insulin cần phải có để “mở cửa”. Khi có đủ hai điều kiện này, glucose vào bên trong tế bào và được tế bào sử dụng để tạo ra năng lượng.
Không có năng lượng, mọi tế bào đều chết.
Insulin là một chất hormone, do tụy tạng sản xuất. Nồng độ insulin trong máu thay đổi theo số lượng glucose có trong máu.
Tiểu đường là một bệnh khiến các tế bào trong cơ thể khó nhận được glucose cần thiết để tạo ra năng lượng.
Tiểu đường khiến các tế bào trong cơ thể khó nhận được đầy đủ số lượng glucose bằng hai cách. Thứ nhất, tụy tạng không tạo ra insulin. Vì insulin cần thiết để “mở cửa”, không có insulin glucose không thể đi vào trong tế bào. Do đó, nồng độ glucose trong máu tăng. Tình trạng này được gọi là tiểu đường type 1. Thứ hai, tiểu đường type 2 xảy ra khi insulin có đủ số lượng, nhưng số lượng thụ thể trên tế bào cho phép glucose đi vào giảm xuống. Dù có insulin, nó không được sử dụng một cách hữu hiệu. Tình trạng này được gọi là “Kháng Insulin” khiến cho nồng độ glucose trong máu tăng cao.
Tiểu đường type 2 thường gặp hơn type 1.
Các nguyên nhân chính xác của tiểu đường không rõ. Tuy nhiên, nó có khuynh hướng xuất hiện trong dòng họ. Tiểu đường không phải là một bệnh truyền nhiễm.
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tiểu đường
Tiểu đường được phát hiện khi bác sĩ thấy nồng độ đường trong máu hoặc trong nước tiểu của bạn cao. Các kết quả đáng tin cậy nhất thu được khi kiểm tra nồng độ đường trong máu trước khi ăn hoặc uống, gọi là đường huyết lúc đói. Đường huyết bình thường thay đổi từ 60 đến 99 mg/dL. Nồng độ từ 100 đến 125 mg/dL được xem là mức tiền tiểu đường.
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tiểu đường thường gặp là:
+ Rất khát
+ Đi tiểu nhiều lần
+ Rất đói
+ Giảm cân
+ Mệt mỏi
+ Thay đổi thị lực
+ Vết thương hoặc nhiễm trùng lâu lành
+ Ngứa da dai dẵng
Nếu không được điều trị, đường huyết có thể tăng lên rất cao, gây ra hôn mê và có thể tử vong. Dấu hiệu và triệu chứng mà bạn có tùy thuộc vào việc tiểu đường được phát hiện lúc nào và tiểu đường bạn mắc thuộc loại nào.
Các phương pháp điều trị
Tiểu đường không thể chữa khỏi. Tuy nhiên có thể giữ nồng độ đường trong máu trong giới hạn bình thường. Điều trị tiểu đường thay đổi từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn.
Người bệnh tiểu đường type 1 không sản xuất insulin. Người bệnh thiếu insulin trong cơ thể cần phải thay đổi một số trong thực đơn và cần phải dùng insulin. Insulin chỉ được dùng bằng cách tiêm chích, có thể vài lần trong một ngày. Người bệnh tiểu đường type 2 có thể không cần insulin. Tiểu đường ở những người bệnh này được kiểm soát bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Đôi khi cũng có thể cho thuốc uống. Trong một số trường hợp tiểu đường type 2, insulin cũng có thể cần đến.
Thành công của điều trị tùy thuộc phần lớn vào bạn. Khi bạn học được VÀ thực hành cách kiểm soát đường huyết, bạn sẽ sống mạnh khỏe hơn.
Kiểm soát tiểu đường
Bạn có thể kiểm soát tiểu đường bằng cách:
1. Ăn uống đúng cách
2. Tập thể dục
3. Theo dõi đường huyết
4. Sử dụng thuốc đã được kê toa
5. Hiểu biết về bệnh tiểu đường
Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giải thích cho bạn về cách lập thực đơn và trả lời các thắc mắc của bạn. Ba mục tiêu của ăn uống đúng cách là:
1. Kiểm soát được cân nặng của bạn
2. Giữ được đường huyết trong giới hạn bình thường
3. Giảm được mỡ trong cơ thể
Một thực đơn lành mạnh có thể bao gồm việc thay đổi những gì bạn ăn, ăn nhiều bao nhiêu, ăn bao nhiêu lần. Tuy nhiên, bạn có thể ngạc nhiên rằng bạn có nhiều loại thức ăn ngon và lành mạnh để chọn.
Tập thể dục giúp người bệnh tiểu đường theo nhiều cách. Nó làm giảm nồng độ glucose, giúp giảm cân nặng và duy trì một quả tim, một hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Ngoài ra, tập thể dục làm giảm stress và làm mạnh bắp cơ.
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về kế hoạch tập thể dục. Bao giờ cũng hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch tập luyện mới.
Thử đường huyết là quan trọng nhằm biết được nồng độ đường trong máu có bình thường hay không. Nếu đường huyết của bạn quá thấp hoặc quá cao, bạn có thể cần phải thay đổi thuốc, thực đơn hoặc kế hoạch tập thể dục. Nếu cần thay đổi, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bạn việc nên làm.
Nồng độ đường trong máu được xác định bằng cách thử một giọt máu trích từ ngón tay. Giọt máu được trích bằng cách đâm kim. Đường huyết thường được thử 1 đến 4 lần mỗi ngày. Có thể thử tại nhà. Hầu hết người bệnh tiểu đường rất thành thạo trong việc thử đường huyết của chính họ.
Bác sĩ sẽ dạy bạn cách thử đường huyết đúng phương pháp và sẽ giúp bạn quyết định số lần thử trong ngày. Bác sĩ cũng sẽ dạy bạn cách thay đổi thuốc tiểu đường, thực đơn hoặc thể dục để giúp kiểm soát đường huyết của bạn. Bác sĩ cũng xem lại bảng ghi diễn biến đường huyết và sẽ thay đổi trị liệu của bạn nếu cần.
Trong những trường hợp đường huyết rất cao, không đáp ứng với thực đơn ăn kiêng và tập thể dục, có thể phải dùng thuốc. Bác sĩ sẽ nói cho bạn biết cần các thuốc uống hay cần insulin.
Nếu cần insulin, chỉ có thể tiêm chích. Insulin cần cho tất cả mọi người bệnh tiểu đường type 1 và cần cho một số người bệnh type 2.
Đường huyết rất quan trọng trong việc xác định tiểu đường có được kiểm soát hay không tại thời điểm thử máu.
Còn có một xét nghiệm máu khác gọi là Hemoglobin A1C. Xét nghiệm máu này xác định đường huyết đã được kiểm soát tốt hay không trong vòng 3 đến 4 tháng trước đó. Nồng độ bình thường ở người không bị tiểu đường thường là 5% hoặc thấp hơn. Người bệnh tiểu đường nên cố gắng giữ Hemoglobin A1C của mình ở mức 6,5% đến 7% khi không có các triệu chứng hạ đường huyết. Mức 6% tương đương với mức đường huyết dự tính là 126 mg/dL. Hemoglobin A1C càng thấp, khả năng biến chứng của tiểu đường càng thấp.
Tăng đường huyết và hạ đường huyết
Trong quá trình kiểm soát tiểu đường, đường huyết của bạn có thể tăng quá cao hoặc hạ quá thấp. Những tình trạng này nên được xem là nghiêm trọng. May mắn là bạn có thể dễ dàng tái kiểm soát đường huyết của bạn.
Khi có quá nhiều đường trong máu của bạn, tình trạng này được gọi là tăng đường huyết. Tăng đường huyết gây ra bởi ăn quá nhiều thức ăn, ăn đường, ăn thức ăn ngọt hoặc bởi không dùng thuốc. Nó cũng có thể xảy ra khi bạn bị bệnh. Nếu không được điều trị, tăng đường huyết có thể khiến bạn rơi vào hôn mê.
Dấu hiệu của tăng đường huyết gồm có:
+ Khô miệng
+ Khát nước
+ Đi tiểu nhiều lần
+ Mắt mờ
+ Mệt mỏi hoặc buồn ngủ
+ Giảm cân
Khi bạn bị tăng đường huyết, hãy uống nước hoặc các thức uống không đường khác. Kiểm tra đường huyết và ăn kiêng theo kế hoạch. Nếu đường huyết vẫn cao, hãy gọi bác sĩ. Bác sĩ cho cho bạn biết cái gì được xem là cao đối với bạn. Nếu đường huyết của bạn quá cao, có thể bạn cần phải đi bệnh viện.
Hạ đường huyết xảy ra khi có quá ít đường trong máu của bạn. Hạ đường huyết thường xảy ra ở người bệnh sử dụng insulin hoặc các thuốc khác. Nó có thể do tiêm chích quá nhiều insulin. Đó là lý do tại sao nó còn được gọi là sốc insulin. Nó cũng có thể do bạn giảm ăn hoặc bỏ bữa ăn hoặc tập thể dục nhiều hơn bình thường.
Dấu hiệu của hạ đường huyết gồm có:
+ Vã mồ hôi, rét run, lo lắng, tim đập mạnh
+ Đói
+ Chóng mặt, choáng váng, lú lẫn, mất bình tỉnh, dễ kích động
+ Tê môi, tê lưỡi
+ Nhức đầu
+ Mắt mờ và nói không rõ ràng, chậm
Nếu không được điều trị, hạ đường huyết có thể dẫn đến bất tỉnh hoặc co giật. Người bệnh tiểu đường có những dấu hiệu khác nhau khi đường huyết của họ thấp. Bạn nên nhận biết bạn cảm thấy thế nào khi đường huyết quá thấp.
Một số người bệnh không hề có bất cứ dấu hiệu nào khi đường huyết thấp. Những người bệnh này phải dựa vào xét nghiệm đường huyết để biết có hạ đường huyết hay không.
Nếu bạn bị hạ đường huyết, hãy lập tức ăn hoặc uống gì đó, có thể là đường tác dụng nhanh. Thí dụ như nửa ly nước trái cây, nước có hơi, 10 kẹo trái cây bọc đường hoặc 2 muỗng cà phê đường hoặc mật ong.
Nếu các triệu chứng của bạn không biến mất trong vòng 15 phút hoặc đường huyết vẫn thấp hơn 80 ml/dL, uống một liều đường tác dụng nhanh khác. Lập lại mỗi 10 đến 15 phút cho đến khi đường huyết cao hơn 80.
Nếu còn 30 phút nữa thì đến bữa ăn, hãy ăn. Nếu còn quá 30 phút, hãy ăn nhẹ, thí dụ như nửa miếng sandwich hoặc 3 miếng bánh ngọt. Hãy ăn bữa hoặc ăn nhẹ sau khi đã uống đường tác dụng nhanh. Không trừ phần ăn nhẹ vào thực đơn bữa ăn kế tiếp. Không lái xe hoặc vận hành các máy móc nếu bạn cảm thấy đường huyết của bạn thấp.
Bạn nên cho người nhà hoặc bạn bè biết bạn mắc bệnh tiểu đường và nếu họ lúc nào thấy bạn bị bất tỉnh, hãy mang bạn đến bệnh viện ngay lập tức.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Khi bạn kiểm soát được nồng độ đường trong máu, các dấu hiệu tiểu đường ít xảy ra hơn. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và có nhiều năng lượng hơn.
Nếu bạn không tuân thủ ăn kiêng, không tập thể dục và không làm xét nghiệm đường huyết, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Biến chứng tiểu đường gồm có tổn thương các dây thần kinh và các mạch máu trong cơ thể.
Người ta không biết tại sao tiểu đường khiến cho dây thần kinh bị tổn thương. Tình trạng dây thần kinh tổn thương được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường. Nó thường xảy ra ở các dây thần kinh đi đến cẳng chân hoặc bàn chân. Bàn chân hoặc chân có thể cảm thấy tê hoặc lạnh bất thường.
Người bệnh tiểu đường có cảm giác ở bàn chân kém cần phải rất cẩn thận tránh tổn thương bàn chân vì giày chật, vì nước nóng hoặc vì các dạng chấn thương khác. Mỗi ngày hãy kiểm tra bàn chân xem có bị vết cắt, đau, đỏ hoặc xưng không. Dùng gương nếu cần. Khi đến thăm khám, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra bàn chân.
Rối loạn tình dục có thể xảy ra. Ở người nam mắc bệnh tiểu đường, vấn đề thường gặp nhất là bất lực, do các dây thần kinh đến cơ quan sinh dục bị tổn thương. Bác sĩ niệu khoa có thể giúp điều trị bất lực bằng các trị liệu phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.
Ở người nữ mắc bệnh tiểu đường, các dây thần kinh đến vùng chậu và cơ quan sinh dục bị tổn thương có thể dẫn đến mất xúc cảm tình dục và đau đớn khi giao hợp. Khi ấy, bác sĩ có thể giúp điều trị.
Do dây thần kinh đến tim có thể bị ảnh hưởng, người bệnh tiểu đường có nhồi máu cơ tim có thể không cảm thấy cơn đau ngực điển hình như được mô tả. Người bệnh tiểu đường do đó nên rất cảnh giác khi cảm thấy nặng ngực, tê cánh tay hoặc ăn khó tiêu. Chúng có thể là những triệu chứng nhồi máu cơ tim.
Tăng đường huyết có thể làm tổn thương các mạch máu lớn nhỏ. Mỡ trong máu đọng lại ở thành mạch máu, làm các động mạch xơ cứng. Xơ cứng các động mạch có thể xảy ra ở các động mạch quan trọng đi ra khỏi tim hoặc đi đến tim. Nó cũng có thể xảy ra ở hai chân.
Thực đơn ăn kiêng của bạn được soạn ra để làm giảm nồng độ mỡ và cholesterol trong máu. Khi vữa và mỡ làm hẹp các mạch máu nhỏ, lưu lượng máu đến các cơ quan không đủ, khiến các tế bào vốn tùy thuộc vào việc tiếp nhận máu chết. Nó cũng có thể gây chảy máu từ các mạch máu bị hẹp.
Các mạch máu nhỏ có thành dày dễ nhận biết nhất ở thận và ở đáy mắt. Khi các mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị dày thành, máu có thể rò vào bên trong mắt, trong thủy tinh dịch, làm cho thủy tinh dịch bị đục. Nếu không được điều trị, tình trạng này, gọi là bệnh võng mạc tiểu đường, có thể dẫn đến mù mắt. Bác sĩ mắt có thể giúp điều trị tình trạng này.
Tiểu đường có thể không cho hai thận lọc chất bẩn trong máu. Ngoài ra, protein vốn được giữ lại trong cơ thể có thể rò rỉ vào trong nước tiểu. Bác sĩ có thể xét nghiệm protein trong nước tiểu của bạn để xem chúng có phải là các dấu hiệu sớm của các bệnh thận không. Người mắc bệnh thận tiểu đường thường phát triển thành tăng huyết áp.
Điều rất quan trọng là tăng huyết áp phải được điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp, giúp ngăn chận diễn biến xấu của thận. Nếu bạn mắc bệnh thận tiểu đường, bác sĩ có thể kê một thực đơn đặc biệt, ít protein và hạn chế muối. Trong những trường hợp hiếm hoi, có thể cần phải lọc thận hoặc thậm chí ghép thận.
Hầu hết các bác sĩ cho rằng kiểm soát bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các mạch máu và dây thần kinh. Kiểm soát tiểu đường đúng phương pháp là sự kết hợp của kế hoạch ăn kiêng, thuốc men, tập thể dục, theo dõi đường huyết và vệ sinh tốt.
Tóm tắt
Nhờ sự tiến bộ của y học, bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát thành công. Vai trò của người bệnh là thiết yếu trong việc điều trị tiểu đường thành công.
Điều trị tiểu đường gồm có:
+ Theo kế hoạch ăn kiêng
+ Thử đường huyết
+ Tập thể dục
+ Sử dụng thuốc được kê toa đúng giờ
+ Bảo đảm vệ sinh tốt
+ Hiểu biết bệnh tiểu đường
Bác sĩ, y tá và nhà dinh dưỡng sẽ giải thích kế hoạch kiểm soát tiểu đường dành riêng cho bạn. Khi bạn tuân thủ những chỉ dẫn này, khả năng mắc phải những vấn đề của bệnh tiểu đường như đã mô tả có thể giảm xuống đáng kể.
Nguồn: MedlinePlus www.medlineplus.com
Trần Thanh Xuân dịch