Bệnh Basedow, hay bệnh bướu cổ lồi mắt, là một bệnh thường gặp trong nhân dân.
Tại các phòng khám nội tiết ở các bệnh viện lớn có hơn 45,8% bệnh nhân bị bệnh Basedow trong tổng số các bệnh nhân đến khám hằng ngày. Người ta không biết rõ bệnh Basedow có từ bao giờ, chỉ biết bệnh này được các thầy thuốc chú ý vào cuối thế kỷ thứ XVIII.
Năm 1722, Bác sĩ Saint Ives đã viết về 3 trường hợp bướu cổ lồi mắt và giải thích nguyên nhân là do trong tổ chức đệm sau hốc mắt bị ứ đọng một chất dịch và chất này đẩy nhãn cầu ra phía trước gây hiện tượng lồi mắt. Năm 1762, bác sĩ Morgagni đã viết về một vài sự biến đổi đại thể của bệnh bướu cổ mà sau này mang tên là bệnh Basedow. Năm 1840, K. Basedow, một thầy thuốc người Đức, đã mô tả tỉ mỉ và đầy đủ các triệu chứng lâm sàng của bệnh này, bao gồm 3 nhóm triệu chứng chính: hội chứng cường giáp trạng với các dấu hiệu ăn nhiều, gầy nhiều, run tay, tim đập nhanh, hồi hộp…; bướu cổ lan tỏa và lồi mắt.
Từ đó, để tưởng nhớ vị bác sĩ đầu tiên tìm ra căn bệnh, người ta đã lấy tên của ông đặt cho bệnh này – bệnh Basedow. Tuy nhiên, bệnh còn được gọi với những cái tên khác như: bệnh Graves (ở Anh, Mỹ), bệnh độc tuyến giáp (ở Liên Xô cũ), bệnh bướu cổ lồi mắt hay nhiễm độc tuyến giáp (ở Việt Nam)… Nguyên nhân căn bản của bệnh Basedow được giải thích khác nhau qua từng thời kỳ. Lúc đầu đại đa số các nhà khoa học đều cho rằng chức năng của tuyến giáp có liên quan mật thiết đến sự hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, do đó nó đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Basedow.
Thật vậy, những năm trong và sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, số người bị bệnh Basedow tăng lên đáng kể; thêm vào đó tỉ lệ người mắc bệnh Basedow nữ và nam dao động trong khoảng 4/1 đến 7/1 (tức là cứ từ 4 đến 7 bệnh nhân nữ mới có một bệnh nhân nam). Điều này giải thích thêm rằng ở phụ nữ hệ thần kinh thường nhạy cảm hơn nam giới. Tuy nhiên khoa học không dừng bước ở đó, ngay từ năm 1925 đã có những công trình nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng miễn dịch trong bệnh lý tuyến giáp. Đến năm 1955 các nhà sinh học đã tìm thấy chất “kích thích tuyến giáp có tác dụng kéo dài” là một chất có tác dụng giống hormone kích thích hoạt động của tuyến giáp trạng nhưng không phải do tuyến yên tiết ra. Đến năm 1980 thì tìm thấy các kháng thể chống lại thụ thể của hormone tuyến giáp trong máu của hầu hết các bệnh nhân Basedow…
Khi nghiên cứu sâu về cây gia phả của những bệnh nhân Basedow, các nhà khoa học thấy có sự liên quan mang tính chất gia đình. Cụ thể các cặp sinh đôi cùng trứng nếu có một người bị bệnh Basedow thì khả năng người còn lại cũng mắc bệnh này lên đến 50%, trong khi khả năng này chỉ là 5% ở những người sinh đôi khác trứng. Bệnh nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng làm bệnh nhân gầy sút nhanh chóng, thậm chí có những bệnh nhân giảm hơn 15 kg trong 6 tháng. Mất ngủ, tiêu chảy càng làm cho bệnh nặng hơn. Có nhiều bệnh nhân bị biến chứng về tim mạch gây suy tim và hạ huyết áp dễ ngất xỉu, khá nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Có một số công trình nghiên cứu cho rằng trong thời gian mang thai, bệnh Basedow có thể thuyên giảm do tác dụng của hormone sinh dục nữ, nhưng cũng có những nghiên cứu khác lại cho thấy bệnh trở nên nặng hơn, nhất là những bệnh nhân bị suy tim do biến chứng của bệnh. Chính vì vậy ở những bệnh nhân Basedow có thai hoặc mong muốn có thai, tuy thuốc điều trị không gây quái thai và không ảnh hưởng nhiều đến thai phụ, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân hạn chế sử dụng thuốc điều trị bệnh Basedow trong thời kỳ mang thai. Tốt nhất là điều trị dứt bệnh trước khi có thai. Hiện nay có 3 phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân bị bệnh Basedow.