BS. Nguyễn Xuân Bích Huyên
Trưởng phòng Chăm sóc Giấc ngủ CHAC
Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy buồn bực, xuống tinh thần thì đó là một việc khó tránh được trong cuộc sống và điều đó sẽ mau chóng qua đi..
Nhưng khi bạn có cảm giác trống vắng và tuyệt vọng trong nhiều ngày, nhiều tuần thì có lẽ bạn đã bị trầm cảm và trạng thái này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những suy nghĩ, cảm xúc,hành động và sức khỏe của bạn.
Bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú gì trong công việc hàng ngày, không còn quan tâm đến những sở thích sẵn có và thường mất tập trung khi làm việc. Ngoài ra bạn còn buông thả bản thân không còn chú ý đến vẻ bề ngoài của mình, ăn uống thất thường (hay ngược lại ăn quá nhiều). Và đến tối thì không ngủ được (do các suy nghĩ không đâu cứ lởn vởn trong đầu) hay ngủ không ngon (do thường xuyên có nhiều giấc mơ) làm cho bạn thức sớm với trạng thái mệt mỏi rã rời. Bạn cảm thấy cô đơn, không còn tin vào ai cả, kể cả bạn bè và người thân từ đó không thể tâm sự với họ về các khó khăn bạn gặp phải.
Trầm cảm có thể xảy ra cho bất cứ người nào, không kể tuổi tác, giới tính và có thể có một số biểu hiện khác nhau tùy theo đối tượng ngoài những biểu hiện chung:
– Khi bị trầm cảm nam giới thường dễ nổi nóng, hành động thiếu suy nghĩ nên dễ rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc lá và rượu và có nguy cơ tự sát nhiều hơn.
– Tỷ lệ nữ giới bị trầm cảm thường gấp đôi nam giới do sức chịu đựng kém hơn và do ảnh hưởng của kích thích tố nữ ( trầm cảm sau sanh, mãn kinh …)
– Trẻ vị thành niên cũng không tránh khỏi bị trầm cảm mỗi khi không thể giải quyết được những xung đột trong suy nghĩ với người lớn và thường tỏ ra bất cần đời, ngỗ nghịch, sa sút trong việc học hành và cũng dễ lạm dụng thuốc cấm .
– Các khó khăn mà các người lớn tuổi thường gặp phải như cảm giác hụt hẫng khi về hưu, cảm giác lệ thuộc con cái, các bệnh mạn tính cũng dễ làm cho họ bị trầm cảm từ đó lại càng ảnh hưởng lên sức khỏe.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm bạn hay người thân bạn bị trầm cảm như khó khăn về kinh tế, công việc, tình cảm, sức khỏe …
Việc điều trị trầm cảm không phải là dễ vì những biểu hiện khác nhau tùy theo mỗi người do đó rất khó nhận biết, ngoài ra cũng khó để tìm ra nguyên nhân do những người bị trạng thái này rất ít tâm sự với người khác
Vậy, mỗi khi gặp khó khăn bạn hãy thổ lộ với người thân, bạn bè để cùng nhau giải quyết và hãy lựa chọn một vài thức ăn để làm bạn cảm thấy vui vẻ hơn như những thực phẩm chứa nhiều vitamin B để giúp giảm bớt căng thẳng (như tròng đỏ trứng gà, thịt bò &gà) hay nhiều Magnesium để cung cấp chất giúp gây hưng phấn (các hạt bí, hạt dẻ, hạnh nhân, đậu phộng, rau xanh), Omega-3 giúp cải thiện tinh thần (các loài cá) và trà xanh chứa nhiều L-theanin giúp thư dãn tinh thần.
Ngoài ra bạn cần phải chú ý đến một số thuốc cũng có thể gây trầm cảm như thuốc điều trị cao huyết áp, ung thư, động kinh, ngừa thai, an thần do đó khi uống cac thuốc trên bạn cần phải báo cho bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy tinh thần bất an.
Nếu thực sự bạn không tự giải quyết được khi phát hiện mình bị trầm cảm bạn hãy đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp hay cho bạn một số thuốc chống lo âu. Khi uống các thuốc này bạn nhớ báo cho bác sĩ về những loại thuốc bạn đang uống để trị bệnh khác (để tránh những tương tác thuốc có hại) và không được tự ý ngưng thuốc dù rằng bạn cảm thấy đã khỏe hẳn (để tránh bệnh tái phát). Bác sĩ sẽ cho bạn ngưng thuốc từ từ khi thấy bạn đáp ứng với thuốc tốt (trung bình ít nhất từ 6-12 tháng)
Như bạn đã thấy, thành công trong việc điều trị trầm cảm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân bạn, bạn bè, người thân và bác sĩ trong đó sự quyết tâm của bạn là quan trọng nhất.