Ths. BS Trần Thị Kim Thu

Hen suyễn (Hen phế quản) là tình trạng Khó thở, Ho, khò khè và nặng ngực; hay xuất hiện về chiều tối, đêm khuya và sáng sớm; hoặc khi gắng sức. Cơn hen tái đi tái lại khi thời tiết thay đổi. (Nếu có trên > 3 đợt / năm; phải nghi ngờ đó là triệu chứng hen suyễn)
Với tiến bộ của Y học, Hen suyễn ngày nay đã được điều trị rất tốt; hầu hết người bệnh sẽ đạt “kiểm soát hen” trong suốt cuộc đời họ; nếu chúng ta hiểu rõ về bệnh Hen và tuân thủ điều trị tốt.
MƯỜI (10) ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ ĐIỀU TRỊ HEN TỐT NHẤT:
(1). Diễn tiến “tự nhiên” của bệnh Hen suyễn:
=> Thường gặp ở trẻ em và môi trường không khí ô nhiễm.
=> Ít có cơn hen khi ở tuổi trưởng thành (16 – 40 tuổi).
=> “tái phát hen trở lại” khi lớn tuổi, về già.
Nhưng diễn tiến “tự nhiên” này không tương xứng với đường thở “bên trong” cơ thể. Có nhiều người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng có “sự tổn thương” đường thở nặng nề. Đó chính là hậu quả của tình trạng viêm mạn tính; là cơ chế sinh bệnh cơ bản của Hen suyễn.
(2) Mục tiêu của điều trị là “Kiểm soát hen”, bao gồm:
=> Hoạt động thể lực bình thường, đêm ngủ ngon
=> Tránh được hầu hết các cơn khó thở, nặng ngực cấp (cơn hen suyễn)
=> Kiểm tra Chức năng Hô hấp bình thường.
Vì Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp, nên không thể điều trị “dứt điểm” hoặc “tận gốc” được.
(3). Điều trị Hen suyễn theo Y học hiện đại, là thuốc Corticosteroid dạng HÍT (ICS: Inhaler Corticosteroids), được gọi là Thuốc kiểm soát Hen, hoặc thuốc Dự phòng
=> Thuốc được “hút” bằng miệng => Cần hít thuốc đúng cách => để đưa thuốc vào đường hô hấp và phổi.
=> Thuốc ICS dạng hít an toàn, ít tác dụng phụ. (Phụ nữ có thai sử dụng được)
(4). Cần điều trị thuốc ICS (thuốc kiểm soát Hen) lâu dài để điều trị “nền viêm mạn tính”, nhưng sẽ được giảm liều ICS mỗi 3 – 6 tháng; khi đạt được sự kiểm soát hen như trên.
=> Không tự ý ngưng thuốc ICS
=> Không sử dụng Kháng sinh (nếu không bị bội nhiễm thêm), hoặc không dùng Kháng viêm Corticoid đường uống, (vì hoàn toàn không hiệu quả trong điều trị “nền viêm mạn tính” của hen suyễn.)
Cần tái khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng để kiểm tra đường thở và giảm liều.
(5). Luôn mang theo thuốc Cấp cứu (hay còn gọi là thuốc Cắt cơn, hoặc thuốc Giảm triệu chứng) bên mình, đặc biệt khi ra ngoài và đi xa.
Khi có cơn khó thở cấp và không tự mất đi sau 10 – 15 phút, xử trí NGAY:
* Thuốc Ventolin, Berodual: Xịt 2 nhát (xịt từng nhát rời) khi lên cơn cấp. Có thể sử dụng 3 lần, lần 2 nhát, cách nhau mỗi 15 – 20 phút.
* Thuốc Symbicort: Hít 1 nhát / lần khi lên cơn cấp. Có thể sử dụng 3 lần, lần 1 nhát, cách nhau mỗi 15 – 20 phút.
=> Sau 3 lần (# 1 giờ cấp cứu), còn khó thở nhiều => Cần nhập viện cấp cứu
KHÔNG CẦN SỬ DỤNG THUỐC CẤP CỨU HOẶC SỬ DỤNG TỐI THIỂU
(BẠN KHÔNG LÊN CƠN HEN) LÀ THÀNH CÔNG TRONG KIỂM SOÁT HEN
(6) KHÔNG CÓ chế độ ăn uống có thể điều trị được bệnh Hen suyễn. Đồng thời, các thuốc dân tộc, gia truyền, y học cổ truyền, hoặc các mẹo dân gian… cũng hoàn toàn chưa được chứng minh khoa học về khả năng điều trị hen suyễn.
Tất cả các y văn hiện đại trên thế giới đều khẳng định điều này.
Nhưng, nhằm tăng hiệu quả kiểm soát Hen, người bệnh nên:
- Tùy theo cơ địa, cần tránh thức ăn gây dị ứng và khởi phát hen cho chính bản thân. Không cần kiêng cữ, nếu thực phẩm đó không gây dị ứng.
- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, thực phẩm có nhiều Omega 3 (cá hồi…). Cam, chanh, quýt, bưởi… tốt cho người hen suyễn / COPD.
(7). Cần tránh tốt các yếu tố kích phát hen suyễn: Khói – Bụi – Mạt bụi nhà – Mốc (do ẩm thấp) – mùi xịt nồng gắt.
- Giữ ấm cổ ngực, (tránh hơi lạnh, gió thổi vùng cổ ngực)
(8). Chích ngừa Cúm hàng năm. Chích ngừa Viêm phổi và Ho gà (nếu có thể.)
(9). Cần tăng liều thuốc hít ICS khi hen mất kiểm soát theo Bảng Kế hoạch Hành động của Hen suyễn:
Nhận biết hen mất kiểm soát:
+ Mệt hơn khi hoạt động thể lực vừa sức
+ Hay ho về đêm và sáng sớm.
+ Có cơn hen cấp (khó thở, khò khè, ho và nặng ngực)
Xử trí:
+ Tránh các yếu tố gây kích phát
+ Tăng liều gấp 2 lần thuốc Dự phòng (thuốc Kiểm soát Hen), càng sớm càng tốt.
+ Dùng thuốc cấp cứu khi cần
- Nếu sau 1 – 2 ngày, bạn vẫn phải dùng thuốc Cấp cứu > 4 lần thuốc Cấp cứu / ngày, cần tái khám lại ngay.
- Nếu bạn cảm giác khỏe hơn với việc tăng liều thuốc hít Kiểm soát, hãy duy trì liều thuốc (tăng gấp 2 lần) trong 1 – 2 tuần. Và trao đổi thêm với BS điều trị.
(10) Phục hồi chức năng hô hấp đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh hen suyễn.
Đồng thời, phơi nắng sáng (trước 8 giờ sáng), 10 phút mỗi ngày. Phơi nắng tăng hấp thu vitamin D, mang nhiều lợi ích bệnh hô hấp mạn tính và cho xương
=> Rèn luyện thể lực và tập hít thở thường xuyên rất tốt cho người bệnh hen suyễn.
=> Có thể xịt thuốc Cắt cơn (thuốc Cấp cứu) trước tập thể lực 15 – 20 phút, sẽ giúp luyện tập tốt hơn và an toàn
=> Nên thực hiện nghiệm pháp Tim mạch – Hô hấp gắng sức (CPET) để đánh giá chức năng Tim Phổi và xác định ngưỡng luyện tập an toàn, phù hợp với bạn.
* TRÊN TOÀN THẾ GIỚI, CŨNG CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ HEN SUYỄN NHƯ BẠN VÀ NGƯỜI THÂN CỦA BẠN.
* NGƯỜI HEN SUYỄN SẼ CÓ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG, NĂNG ĐỘNG, KHI BẠN “BIẾT” CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH HEN.
* CÓ NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG OLYMPIC DÙ MẮC BỆNH HEN* ĐIỀU TRỊ HEN LÀ “NGỪA CƠN HEN”, ĐỪNG ĐỢI LÊN CƠN MỚI CẮT