TÌM HIỂU VỀ TĂNG HUYẾT ÁP

1. Tại sao cần quan tâm đến tăng huyết áp?

– Tăng huyết áp còn được biết với tên gọi là “sát thủ thầm lặng” bởi vì nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bị biến chứng nặng hoặc tử vong.

– Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ và nhồi máu cơ tim mà đây là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên thế giới và tại Việt Nam. 

– Tăng huyết áp là bệnh lý rất thường gặp tại Việt Nam, khoảng ¼ – ½ người trưởng thành bị tăng huyết áp.

– Điều trị tốt tăng huyết áp giúp làm giảm tử vong sớm và giảm các biến chứng nặng như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, suy thận mạn, gia tăng chất lượng cuộc sống.

2. Tăng huyết áp là gì?

– Trước khi đề câp đến tăng huyết áp, chúng ta cùng tìm hiểu về huyết áp. Huyết áp là lực tác động của máu lên thành các động mạch, giúp đưa máu từ tim đi khắp cơ thể. Huyết áp được biểu hiện bằng 2 số, đơn vị là mmHg. Ví dụ: 120/80 mmHg. Số lớn (120) được gọi là huyết áp tâm thu, phản ánh áp lực trong động mạch khi tim co bóp và số nhỏ (80) được gọi là huyết áp tâm trương, phản ánh áp lực trong động mạch khi tim thư giãn. Huyết áp bình thường ở người lớn là dưới 140/90 mmHg.

– Tăng huyết áp là khi lực bơm của máu lên thành các động mạch quá mạnh, buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và có thể làm cho động mạch bị hẹp hoặc xơ cứng.

– Tăng huyết áp được chẩn đoán khi đo huyết áp vào hai ngày khác nhau, số đo huyết áp tâm thu của cả hai ngày là ≥ 140 mmHg và / hoặc số đo huyết áp tâm trương ở cả hai ngày là ≥ 90 mmHg. Lưu ý là cần phải đo huyết áp đúng kỹ thuật.

3. Nguyên nhân của tăng huyết áp?

Nguyên nhân chính xác của tăng huyết áp chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, được chia thành 2 nhóm là các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được.

3.1. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Hút thuốc lá
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn mỡ máu
  • Không tập thể dục đầy đủ
  • Thừa cân/Mập phì
  • Ăn nhiều chất béo, đường, hoặc muối (natri)
  • Uống quá nhiều rượu

3.2. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được

  • Bệnh thận mạn tính
  • Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp
  • Tuổi cao
  • Người Mỹ gốc Phi
  • Giới tính: Trước 45 tuổi, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ. Sau 65 tuổi, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ
  • Stress

4. Triệu chứng nào gợi ý bị tăng huyết áp?

Tăng huyết áp cao thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ hoặc khi đi khám vì bệnh khác. Một số trường hợp có thể có các triệu chứng như đau đầu, lo lắng, khó thở, chảy máu cam, buồn nôn và nôn ói, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, có thể đau ngực dữ dội hoặc co giật.

5. Làm sao phát hiện tăng huyết áp?

Tăng huyết áp được chẩn đoán bằng cách đo huyết áp khi bạn đang ngồi, với cánh tay đặt trên mặt phẳng, ngang mức tim, chân không bắt chéo và bàn chân đặt trên sàn. Quấn máy đo huyết áp trực tiếp vào cánh tay trần và nên đo huyết áp ít nhất hai lần bằng cách sử dụng cùng một cánh tay (Hình 1). Một số trường hợp sẽ có sự chênh lệch huyết áp giữa cánh tay phải và trái của bạn. Khi số đo huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và / hoặc số đo huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp và cần phải đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Bạn có thể đặt lịch khám tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng – CHAC, sẽ có bác sĩ chuyên khoa tim mạch trực tiếp tư vấn, khám và điều trị cho Bạn.

Hình 1: Tư thế đo huyết áp đúng

Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg,
và / hoặc: Huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg,
=> bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp