Thực phẩm giảm nguy cơ bệnh tật

Việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và hợp lý sẽ giúp bạn luôn duy trì được một thể trạng khỏe mạnh. Đồng thời, điều đó cũng giúp cơ thể tăng cường hoạt động trao đổi chất, cải thiện hệ miễn dịch. Dưới đây là những “siêu thực phẩm” vừa có tính năng ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm vừa tăng cường sinh lực, mà chúng ta nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
 
Các loại cá: Là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Ít calo, giàu protein và axit omega-3 sẽ giúp cơ thể chống lại các bệnh viêm nhiễm, ung thư, tiểu đường, tim mạch và bệnh Alzheimer. Ngoài ra, việc cho trẻ ăn các loại cá sẽ tăng cường phát triển trí não ngay từ những năm đầu đời. Chúng ta nên chọn các loại cá trong môi trường hoang dã là tốt nhất để tránh những nguy cơ nhiễm độc từ ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng chất hóa học trong nuôi trồng.
Dầu dừa: Chất béo lành mạnh này được tạo thành từ axit lauric, caprylic và capric, với những tính năng kháng nấm, kháng virus và kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật. Dầu dừa cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc cải thiện đường tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng kích thích ruột và vi khuẩn gây rối loạn đường ruột. Bên cạnh những lợi ích về dinh dưỡng, dầu dừa cũng được biết đến với những công dụng tuyệt vời trong việc bảo vệ và chống lại tác nhân gây khô da, chàm, vết cắt, xước và nếp nhăn, thậm chí là trị gàu và chống hăm tã cho trẻ nhỏ.

Súp lơ xanh: Nó cung cấp nguồn dinh dưỡng và khoáng chất đầy đủ cho mọi lứa tuổi từ trẻ em, người già, phụ nữ mang thai hay người đang bị bệnh. Các loại vitamin A, B6, K, axit folic, canxi, kali và các hóa chất thực vật như indole-3, carbinol và sunforaphane giúp tăng cường khả năng ngăn ngừa ung thư. Cùng với rau chân vịt, súp lơ xanh và một số các loại rau lá xanh sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp chị em phụ nữ duy trì được sức khỏe sinh sản và tăng cường các mô tuyến vú chống lại căn bệnh ung thư vú.
Thực phẩm gia vị: Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến các loại thực phẩm có vị cay như ớt, hạt tiêu, gừng, quế… Những loại thực phẩm này có thể làm giảm hàm lượng cholesterol và giúp ổn định lượng đường trong máu. Quế và ớt giúp tăng cường trao đổi chất, gừng và nghệ hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, chống viêm và làm lành vết thương, vết mổ, đồng thời làm giảm các triệu chứng của bệnh Alzheimer. 

Đồ uống và thực phẩm lên men: Những chế phẩm sinh học lên men vi sinh sẽ rất hữu ích cho hệ tiêu hóa và đường ruột. Bổ sung những thực phẩm này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại ung thư và ngăn ngừa chứng rối loạn về đường tiêu hóa, dạ dày. Hệ tiêu hóa sẽ làm việc tốt hơn nếu được tăng cường bổ sung các lợi khuẩn vào trong ruột, giúp hấp thụ các loại vitamin và khoáng chất tốt hơn. Nguồn thực phẩm này chủ yếu là các loại dưa chua (cải bắp và kim chi), sữa chua và một số thực phẩm lên men khác.

Nước xương hầm: Bổ sung chủ yếu là các loại khoáng chất như canxi, photpho, magiê, và hàm lượng collagel cao hỗ trợ bảo vệ da, hệ xương khớp và làm đẹp cho móng và da. Nước dùng được nấu từ xương cũng rất giàu axit amin, praline và glycin giúp tăng cường liên kết giữa các mô khỏe mạnh. Ngoài ra, để tăng cường hệ miễn dịch chúng ta có thể hầm, nấu canh, súp với món xương… để ăn hoặc uống hàng ngày với món xương hoặc thịt hầm sẽ rất có lợi cho bệnh nhân đang trong thời kỳ bình phục.

 
Theo ANTĐ/Prevention