RỐI LOẠN GIẤC NGỦ Ở TRẺ EM

BS CK1 Nguyễn xuân Bích Huyên
Trưởng phòng Chăm sóc Giấc ngủ – CHAC

          Có tỷ lệ rất cao, khoảng 50% trẻ em bị rối loạn giấc ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở trẻ là mất ngủ, nói mớ, hoảng loạn trong đêm, thậm chí là mộng du…

Giấc ngủ bị “rối loạn” sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và thể chất của con trẻ như: buồn ngủ ban ngày, rối loạn hành vi, tính tình cáu gắt, khó tiếp thu bài vở, học hành kém..

Vì vậy, cần phát hiện sớm và tích cực điều trị các vấn đề này; để ngăn ngừa những hậu quả cho tương lai của trẻ.

MẤT NGỦ

Trẻ gặp khó khăn khi đi ngủ, duy trì giấc ngủ hay thức giấc quá sớm  

Phân loại
+ Mất ngủ cấp tính: vài ngày –vài tuần (< 4 tuần)
+ Mất ngủ mạn tính: ít nhất 3 ngày / tuần và > 4 tuần

Nguyên nhân:

1/ Thói quen:  ví dụ: trẻ không thể ngủ khi thiếu bình sữa, thú nhồi bông,  cha mẹ….

2/ Cảm xúc của trẻ: như lo lắng, stress…

3/ Phòng ngủ quá nhiều tiếng ồn, quá nóng

4/ Trẻ có một số bệnh: Hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, hội chứng chân không yên

5/ Trẻ đang uống một trong các thuốc (điều trị Chứng giảm trí nhớ và tăng động, trầm cảm..)

6/ Uống  những  thức uống có cafein ( nước tăng lực, coca, chocolate…)

7/ Rối loạn nhịp sinh học:

  • Rối loạn giấc ngủ đến trễ: Trẻ  buồn ngủ rất trễ và khó thức giấc  sáng hôm sau (thường ở thiếu niên); Rối loạn này liên quan  đến những vấn đề cá nhân
  • Rối loạn giấc ngủ đến sớm: trẻ buồn ngủ rất sớm vào chiều và thức giấc rất sớm sang hôm sau, Rối loạn này thường hiếm xảy ra

Điều trị

1/ Điều trị nguyên nhân

2/ Thay đổi thói quen ngủ của trẻ

3/ Ban ngày cho trẻ tiếp xúc nhiều với ánh sáng

4/ Trong trường hợp Rối loạn giấc ngủ đến trễ: mỗi ngày dời giấc ngủ  trễ  hơn 2 giờ  cho đến giờ ngủ  mong muốn trong vòng 1 tuần, sau đó tuân thủ triệt để với thời khó biểu mới.

 5/ Thuốc: Khi cần  BS có thể cho uống Melatonin

CÁC BIỂU HIỆN BẤT THƯỜNG TRONG LÚC NGỦ

1/ Mộng du:

Mộng du xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu (bình thường trong giai đoạn này các cơ đều bị tê liệt do một dẫn truyền thần kinh GABA). Khi GABA không hoạt động người ta có thể đi trong khi ngủ.

 Mộng du thường xảy ra ở trẻ con (vì tế bào thần kinh sản xuất GABA đang trong giai đoạn phát triển), nhất là ở lứa 3-12 tuổi. Khi thức giấc trẻ thường hay bị lú lẫn trong một thời gian ngắn và không nhớ những gì xảy ra trong đêm.

Nguyên nhân:  thường là do tâm lý

Xử trí: Không nên đánh thức trẻ mà chỉ đi theo trẻ để tránh trẻ bị té, Trẻ thường tự đi về giường  

2/ Nói mớ trong khi ngủ :

Nói mớ trong khi ngủ thường xảy ra ở trẻ em hơn là người lớn, xảy ra ở bé trai nhiều hơn và thường xảy ra ở những trẻ có sẵn một rối loạn giấc ngủ khác.

Ngủ mớ thường giảm hay biến mất  vào  lúc 12 tuổi

          Một số tình trạng thần kinh có thể  gây ra mộng du và nói mớ trong khi ngủ.

3/ Cơn hoảng loạn trong đêm:

          Trẻ đang ngủ bỗng nhiên choàng dậy, kích động, khóc la nhưng không đáp ứng với sự dỗ dành người  thân trong khoảng 10-15 phút  sau đó tự nằm ngủ lại. Sáng hôm sau không nhớ  gì đã xảy ra trong  đêm.

Cơn hoảng loạn này  thường xảy ra vào  thời gian đầu của  giấc ngủ, khi trẻ  đang ngủ say, thường  chỉ một lần mỗi đêm và  thường  hết khi trẻ lớn lên

          Nguyên nhân: Tâm lý, giấc ngủ kém chất lượng

          Xử trí:

  • Tránh đánh thức trẻ dậy, để tự nhiên trẻ sẽ tự ngủ lại
  • Nếu trẻ có cơn hoảng loạn  vào cùng một thời điểm mỗi đêm → chủ động đánh thức trẻ 30 phút trước thời điểm đó, chơi với  trẻ khoảng  45  phút rồi cho bé ngủ lại, làm như vậy trong một tuần trẻ có thể khỏi luôn.

3/ Cơn ác mộng:

          Ác mộng là những giấc mơ xấu làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi khi thức dậy và có thể kể lại cho người thân về nội dung giấc mơ.

          Ác mộng thường xảy ra vào nửa sau của đêm khi trẻ ngủ không sâu lắm, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

          Nguyên nhân:

Những trẻ giàu trí tưởng tượng, hoặc bị sang chấn tâm lý

          Xử trí:

  • Hãy ôm lấy trẻ và thuyết  phục trẻ rằng mọi việc đều bình thường
  • Kiên nhẫn nghe trẻ kể lại giấc mơ và  giải thích rằng là những  gì trẻ thấy trong mơ là không có thật và không có gì có thể làm hại trẻ cả.
  • Hạn chế trẻ xem phim hành  động trước khi ngủ
  • Tìm hiểu xem trẻ có đang lo lắng về một vấn đề nào không
  • Nếu trẻ thường xuyên có ác mông → cho trẻ đi khám BS

4/ Nghiến răng

            Nghiến răng khi ngủ, thường gặp ở trẻ em  (20%) nhưng thường bị phụ huynh  không để ý và không lo lắng.

Nguyên nhân:

Răng không đều
Căng thẳng, lo lắng
Tắc nghẽn đường hô hấp trên (phì đại Amidan)

Hậu quả:

  • Đau nhức vùng đầu, quanh tai do nghiến răng gây áp lực lên hàm  rang
  • Mòn men răng  làm cho răng trở nên dễ nhạy cảm   với các chất nóng – lạnh, và dễ gẫy.
  • Đau khớp thái dương hàm, khó nhai

Xử trí:

  • Cho trẻ đi khám  răng: nha sĩ sẽ cho trẻ đeo một dụng cụ bảo vệ răng
  • Tìm hiểu xem trẻ có đang lo lắng chuyện gì và tìm cách giải quyết

CHỨNG NGỦ RŨ

          Chứng ngủ rũ là một rối loạn thần kinh  ảnh hưởng lên khả năng của não trong việc kiểm soát  giấc ngủ và  thức tỉnh.

          Tần xuất ước tính là 1/100 000, bé trai và bé gái bằng nhau, thường chỉ  được  phát hiện từ tuổi thiếu niên  (có những bé bị lúc 5,6 tuổi nhưng không được  phát hiện)

Triệu chứng:

Buồn ngủ ban ngày quá mức
Mất trương lực cơ mỗi khi xúc động (cười hay khóc…)
Có những cơn buồn ngủ đột xuất trong ngày
Nhưng cũng có trường hợp trẻ trở nên hiếu động quá mức (để chống lại cơn buồn ngủ)
Hoang tưởng

  Nguyên nhân    Giảm lượng hypocretin trong não do:

  • -Bệnh tự miễn
  • Di truyền trong gia đình
  • Chấn thương hay u não
  • Nhiễm trùng
  • Chất độc ngoài môi trường: chất trừ sâu, kim loại nặng, khói thuốc lá  thụ động

    Chẩn đoán

  • Đa ký giấc  ngủ
  • Test  đo giai đoạn tiềm thời đi vào giấc ngủ

    Điều trị:

  1. Chứng ngủ rũ không thể điều trị khỏi hẳn
  2. Mục đích để điều trị là giảm cơn buồn ngủ ban ngày, gia tăng sự thức tỉnh giúp cho trẻ có cuộc sống gần như bình thường
  3. Kế hoạch điều trị bao gồm thuốc, thay đổi hành vi và giáo dục

Thuốc:

  • Kích thích thần kinh: giúp trẻ tỉnh táo: Modafinil (ít tác dụng phụ) hay thuốc mới:  Solriamfetol (Sunosi®) và  pitolisant (Wakix®)
  • Chống trầm cảm: điều trị mất trương lực cơ, hoang tưởng
  • Sodium osybate: điều trị buồn ngủ ban ngày và mất trương lực cơ

Thay đổi hành vi:

  • Đi ngủ và thức dậy đúng giờ  mỗi ngày
  • Hãy chợp mắt  khỏảng 30 phút mỗi lần buồn ngủ quá nhiều
  • Không xem TV, máy tính hay điện thoại khi đi ngủ
  • Vận động 20 phút mỗi ngày.
  • Tránh những hoạt động  nguy hiểm như lái xe, nấu ăn, bơi …

Giáo dục: Phải báo cho thầy cô giáo, người thân, bạn bè  về căn bệnh của trẻ  để cùng phối hợp điều trị cho tốt  vì ở trường  trẻ có thể: học kém, cáu gắt, kém tập trung, mất tự tin…