Hen suyễn, điều trị hen suyễn

HEN SUYỄN,  ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN

Hen suyễn là gì?

Suyễn là một bệnh phổi mạn tính gây viêm và làm hẹp các đường thở. Suyễn gây ra khò khè hoặc tiếng rít khi bạn thở, tái đi tái lại, nặng ngực, hụt hơi và ho. Ho thường xảy ra về đêm hoặc lúc sáng sớm.
Suyễn ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết thường khởi phát vào lúc trẻ nhỏ. Ở Hoa Kỳ, hơn 22 triệu người mắc bệnh suyễn. Gần 6 triệu trong số này là trẻ em.
Đại cương về hen suyễn
Đường thở là những ống mang không khí ra vào phổi. Người mắc bệnh suyễn có đường thở bị viêm. Nó làm đường thở sưng và rất nhạy cảm nên đường thở có khuynh hướng phản ứng mạnh với một số chất nào đó.
Khi các đường thở phản ứng, cơ chung quanh chúng co thắt lại, làm hẹp các đường thở, khiến cho không khí vào trong phổi ít hơn. Tình trạng sưng phồng có thể làm các đường thở hẹp hơn nữa. Các tế bào trong các đường thở có thể tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. Chất nhầy là một dịch dính, đặc, làm cho các đường thở càng hẹp.
Chuỗi phản ứng này gây ra các triệu chứng suyễn. Các triệu chứng có thể xảy ra mỗi khi đường thở bị viêm.
Suyễn
hen-suyen
Hình A cho thấy vị trí của hai phổi và các đường thở trong cơ thể. Hình B cho thấy cắt ngang của một đường thở bình thường. Hình C cho thấy cắt ngang của một đường thở trong lúc có các triệu chứng suyễn.
Đôi khi, các triệu chứng suyễn nhẹ và tự khỏi hoặc khỏi chỉ sau khi điều trị tối thiểu bằng một thuốc suyễn. Lúc khác, các triệu chứng tiếp tục xấu hơn.
Khi các triệu chứng trở nặng và/hoặc có thêm các triệu chứng khác xuất hiện, bạn có một cơn suyễn. Các cơn suyễn còn được gọi là cơn kịch phát.
Quan trọng là phải điều trị các triệu chứng ngay khi bạn nhận biết được chúng. Điều này giúp ngăn ngừa các triệu chứng trở nặng và cơn suyễn nặng. Cơn suyễn nặng cần phải được cấp cứu vì chúng có thể gây chết người.
Tổng quát
Suyễn không thể chữa khỏi được. Ngay khi bạn cảm thấy khỏe, bạn vẫn có bệnh và nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, với kiến thức và các điều trị hiện nay, hầu hết người mắc bệnh suyễn có thể quản lý được bệnh. Họ không có hoặc có ít triệu chứng. Họ có thể sống bình thường, sống năng động và ngủ suốt đêm mà không bị gián đoạn vì suyễn.
Bạn có thể giữ vai trò chủ động trong việc quản lý suyễn của bạn. Để tiếp tục điều trị thành công, toàn diện, hãy xây dựng mối cộng tác vững chắc với bác sĩ và nhân viên y tế khác của bạn.

Cái gì gây ra suyễn?

 Nguyên nhân chính xác của suyễn không biết được. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số yếu tố di truyền và môi trường tương tác với nhau gây ra suyễn, hầu hết trong lúc đầu đời. Những yếu tố này gồm có:
·         Khuynh hướng di truyền gây dị ứng, gọi là cơ địa dị ứng.
·         Cha mẹ mắc bệnh suyễn
·         Một số nhiễm trùng lúc nhỏ
·         Tiếp xúc với một số dị nguyên trong không khí hoặc phơi nhiễm với vi rút lúc sơ sinh hoặc lúc nhỏ khi hệ thống miễn dịch đang hình thành
Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh suyễn hoặc cơ địa dị ứng, phơi nhiễm các chất kích thích (như khói thuốc lá) có thể khiến các đường thở phản ứng mạnh hơn với các chất trong không khí.
Một số yếu tố có thể có khả năng gây suyễn ở người này nhiều hơn ở người khác. Các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá cái gì gây ra suyễn.
“Giả thuyết Vệ sinh”
Một lý thuyết mà các nhà nghiên cứu đưa ra về nguyên nhân gây ra suyễn gọi là “Giả thuyết Vệ sinh”. Họ tin rằng kiểu sống phương Tây – với sự nhấn mạnh về sức khỏe và vệ sinh – đã tạo nên những thay đổi điều kiện sinh sống và làm giảm nhiễm trùng lúc đầu đời.
Nhiều trẻ em không còn có cùng những kiểu phơi nhiễm môi trường và nhiễm trùng như trẻ em ngày xưa. Điều này tác động đến sự hình thành các hệ thống miễn dịch của trẻ em trong suốt thời kỳ còn rất nhỏ và có thể làm tăng nguy cơ đối với cơ địa dị ứng và suyễn. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ có người thân trong gia đình mắc một hoặc cả hai tình trạng này.
 

Ai có nguy cơ suyễn?

Suyễn xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết thường khởi phát lúc còn nhỏ. Ở Hoa Kỳ, hơn 22 triệu người được biết mắc bệnh suyễn. Gần 6 triệu trong số này là trẻ em.

Trẻ nhỏ thường thở rít và bị nhiễm trùng hô hấp – cũng như một số yếu tố nguy cơ khác – có nguy cơ phát bệnh suyễn cao nhất, nguy cơ này tiếp tục kéo dài đến quá 6 tuổi. Các yếu tố nguy cơ khác gồm có dị ứng, chàm hoặc cha mẹ mắc bệnh suyễn.

Trong số trẻ em, trẻ nam mắc suyễn nhiều hơn trẻ nữ. Nhưng ở người lớn, phụ nữ lại mắc bệnh này nhiều hơn đàn ông. Không rõ hóc môn sinh dục có giữ vai trò gì hoặc bằng cách nào gây ra được bệnh suyễn.

Hầu hết bệnh nhân suyễn bị dị ứng.

Một số người phát bệnh suyễn vì tiếp xúc với một số chất hóa học hoặc các bụi công nghiệp nơi làm việc. Loại suyễn này được gọi là bệnh suyễn nghề nghiệp.

Nguồn: Viện Tim, Phổi, Huyết học Quốc gia Hoa Kỳ