Đợt kịch phát COPD là lúc các triệu chứng COPD của bạn trở nặng hoặc bùng phát.
Trong nhiều trường hợp, đợt kịch phát COPD xuất phát từ nhiễm trùng phổi, nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân không bao giờ biết được. Viêm phổi (kích thích và sưng phù) trong và sau đợt kịch phát có thể làm cho bệnh nhân hết sức yếu ớt và thường mất một thời gian dài để hồi phục hoàn toàn. Biết được các dấu hiệu và triệu chứng của đợt kịch phát sẽ giúp bạn điều trị sớm, rút ngắn thời gian bạn bị kịch phát và hy vọng ngăn ngừa được đợt kịch phát này trở nên trầm trọng.
Các gì gây ra đợt kịch phát?
Nguyên nhân chính của một đợt kịch phát là nhiễm trùng phổi (phế nang) hoặc đường thở. Nhiễm trùng này thường là do vi rút, nhưng nó cũng có thể từ vi khuẩn hoặc những loại vi sinh vật ít gặp khác. Kịch phát cũng có thể xảy ra do hít phải những chất kích thích từ môi trường như ô nhiễm không khí nặng hoặc dị ứng nặng.
Phổi phản ứng với nhiễm trùng bằng cách viêm (kích thích và sưng phù). Điều này khiến cho đường thở hẹp lại và tắc do co cơ, sưng phù và chất nhờn. Kịch phát có thể xảy ra rất nhanh (vài giờ đến vài ngày), trong khi tìm ra những nguyên nhân lại có thể là một quá trình lâu dài (đến một tuần). Các loại thuốc dùng để điều trị triệu chứng của đợt kịch phát do đó có thể được sử dụng mà không tìm được nguyên nhân chính xác. Không có một xét nghiệm máu, đàm hoặc X quang nào chẩn đoán được một đợt kịch phát. Do đó, người xác định đợt kịch phát tốt nhất chính là bạn. Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của đợt kịch phát và sớm điều trị là những cách tốt nhất để hạn chế nó khỏi trở nên trầm trọng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của đợt kịch phát là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của đợt kịch phát là sự trở nặng của nhiều triệu chứng thường ngày của COPD. Các triệu chứng này cũng có thể tương tự như nhiễm trùng phổi do những nguyên nhân khác như là cảm cúm nặng hoặc viêm phổi. Bạn có thể thấy khó thở hơn thường ngày, đàm của bạn thay đổi, ho tăng lên, mệt mỏi hơn, khó ngủ khác thường và trong một số trường hợp, sốt.
Màu đàm của bạn thay đổi từ trong sang màu mủ (vàng đậm, xanh lá cây hoặc nâu) có thể là một triệu chứng bạn đang bị kịch phát. Thật ra, trong nhiều người, thay đổi đàm là dấu hiệu đầu tiên cho biết họ bị kịch phát. Số lượng đàm bạn khạc cũng có thể quan trọng. Bạn có thể nhận thấy khó thở hơn thường ngày với các hoạt động như đi bộ ra xe hoặc đi tắm. Nếu bạn thấy giấc ngủ trục trặc hơn thường ngày, cảm thấy rất mệt mỏi, nhức đầu khi ngủ dậy hoặc cảm thấy lẫn lộn (hoặc một người nhà nhận thấy bạn lẫn lộn và/hoặc khó đánh thức bạn), bạn có thể đang có những dấu hiệu tăng nồng độ carbonic, cần phải được điều trị ngay lập tức. Tất cả những thông tin này nhất thiết phải được báo với thầy thuốc để họ có thể biết ra được các triệu chứng của bạn có phải do đợt kịch phát không và cách nào điều trị nó.
Nếu bạn từng có một đợt kịch phát COPD, bạn nên ghi nhận “kiểu” các triệu chứng của bạn. Mỗi người có những dấu hiệu và triệu chứng kịch phát khác nhau chút ít. Hãy ghi nhận màu sắc và số lượng đàm bạn khạc ra mỗi ngày khi bạn không bệnh, để bạn có thể nhận biết những thay đổi khi bạn có những dấu hiệu và triệu chứng của một đợt kịch phát.
Điều trị đợt kịch phát thế nào?
Đợt kịch phát đôi khi được điều trị tại nhà với thuốc steroid hít và/hoặc kháng sinh, nhưng nếu các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng, bạn cần phải nhập viện. Điều trị một đợt kịch phát chủ yếu là bằng thuốc để kiểm soát sự sưng phù và co thắt trong phổi. Sưng phù được điều trị bằng steroid viên hoặc tiêm tĩnh mạch. Trong bệnh viện, bạn cũng có thể được cho thuốc dãn phế quản dạng hít hoặc dạng phun để làm dãn sự co thắt chung quanh đường thở. Trong nhiều trường hợp, bạn cũng có thể được cho một kháng sinh.
Chức năng chính của phổi là cung cấp oxy cho cơ thể và thải carbonic khỏi cơ thể. Đợt kịch phát có thể tác động vào việc này, do đó bạn cần thêm oxy hoặc một thiết bị đặc biệt, tương tự như là máy áp suất dương liên tục (CPAP) để giúp bạn thở tốt hơn. Nếu đợt kịch phát của bạn nặng, bạn được cho nhập khoa săn sóc đặc biệt và cần đến máy thở.
Đợt kịch phát nghiêm trọng như thế nào?
Đợt kịch phát có thể rất trầm trọng và có thể gây tử vong. Do đó điều trị sớm là rất quan trọng. Nếu bạn đã được báo rằng bạn bị COPD nặng hoặc đã từng có đợt kịch phát trước đây, hãy bàn bạc với thầy thuốc về những bước cần phải làm và cách nào liên hệ với họ hoặc với đội ngũ của họ để được tư vấn và giúp đỡ. Kế hoạch này được gọi là Kế hoạch Hành động. Thường khó mà biết được ai sẽ vô đợt kịch phát; tuy nhiên, nếu bạn đã có một đợt trước đây, bạn có nhiều khả năng mắc một đợt khác hơn. Vì lý do này, thầy thuốc của bạn có thể nói với bạn về kế hoạch nâng cao này. Hãy nói với thấy thuốc của bạn hoặc với gia đình bạn về điều trị bạn mong muốn phòng khi bạn quá yếu, không thể tự nói được. Thí dụ, khi bạn không thể tự thở đủ được, bạn có bao giờ muốn được đặt vào một máy thở? Bạn cũng có thể được chuyển đến một nhóm chăm sóc giảm nhẹ, được đề nghị các phương pháp giúp bạn thở thoải mái hơn.
Kế hoạch Hành động là gì?
Kế hoạch Hành động bao gồm những chỉ dẫn hoặc những bước bạn nên thực hiện khi có những dấu hiệu đầu tiên của đợt kịch phát. Bạn có thể được chỉ dẫn sử dụng thuốc dãn phế quản tác dụng ngắn như albuterol, mỗi bốn giờ. Bạn có thể được đề nghị gọi thầy thuốc, hoặc sử dụng steroid viên và/hoặc kháng sinh theo toa có sẵn và được chỉ dẫn khi nào sử dụng chúng. Những chỉ dẫn này cho bạn biết khi nào gọi thầy thuốc hoặc khi nào đi cấp cứu. Điều rất quan trọng là mỗi bệnh nhân mỗi khác và kế hoạch này phải được xây dựng cùng với nhân viên y tế của bạn.
Tôi có thể ngăn ngừa đợt kịch phát không?
Không phải tất cả những đợt kịch phát đều có thể ngăn ngừa được, nhưng có những phương pháp giới hạn mức độ trầm trọng của những đợt này. Nếu bạn hút thuốc, hãy tìm sự hỗ trợ để bỏ thuốc. Tránh đến gần những người bị cảm cúm.
Tiêm ngừa cúm đã cho thấy giúp ngăn chận được những đợt kịch phát. Bạn cần tiêm ngừa cúm hàng năm, trừ khi thấy thuốc của bạn khuyên không nên. Một số loại thuốc hít tác dụng lâu dài cũng cho thấy giúp làm giảm khả năng kịch phát của bạn. Bạn có thể đã sử dụng chúng để điều trị COPD của bạn. Đối với một số bệnh nhân vẫn tiếp tục bị kịch phát dù điều trị bằng thuốc hít đều đặn, có thể có những liệu pháp dùng thuốc như là roflumilast hoặc azithromycin giúp ngăn chận hoặc điều trị những đợt kịch phát.
Nguồn: American Thoracic Society Patient Education Series.
Am J Respir Crit Care Med Vol. 189, P11-P12, 2014.
Trần Thanh Xuân dịch