Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, với tỉ lệ cao là 10 trẻ có 1 trẻ bị hen (10%). Với quan điểm đã lạc hậu trước đây “Hen suyễn là Sống để vậy, Chết mang theo”, nhiều cha mẹ tuy lo lắng, nhưng không chấp nhận việc con trẻ bị hen. Dẫn đến chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị hen cho trẻ. Hậu quả là trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.
Hơn thế nữa, việc điều trị không đúng cách cho trẻ em, sẽ làm hen xấu đi và tổn thương đường dẫn khí không hồi phục. Từ đó, gây nhiều biến chứng xấu lên tim – phổi và thể lực của người bệnh khi trưởng thành và về già.
Hen suyễn từ một bệnh dễ điều trị, dễ kiểm soát trở thành gánh nặng cho gia đình và con trẻ! Vì vậy, cần hiểu biết đúng về bệnh hen:
* TRÊN TOÀN THẾ GIỚI, CŨNG CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ HEN SUYỄN NHƯ BẠN VÀ CON CỦA BẠN.
* NGƯỜI HEN SUYỄN SẼ CÓ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG, NĂNG ĐỘNG, KHI BẠN “BIẾT” CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH HEN.
* CÓ NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG OLYMPIC DÙ MẮC BỆNH HEN
* ĐIỀU TRỊ HEN LÀ “NGỪA CƠN HEN”, ĐỪNG ĐỢI LÊN CƠN MỚI CẮT
Các hiểu biết về Hen suyễn ở trẻ em:
- Hen suyễn là gì – Vấn đề gì đang xảy ra với hệ hô hấp khi bị hen suyễn.
- Nhận biết triệu chứng của bệnh Hen suyễn – Đo Dao động xung ký (IOS)
- Những lưu ý quan trọng về bệnh hen suyễn.
- Phương pháp điều trị hen suyễn theo y học hiện đại
- Tác dụng phụ của thuốc hen Corticosteroid dạng hít.
- Cách tránh Dị nguyên hay các yếu tố khởi phát hen
- Hen suyễn và chế độ dinh dưỡng
- Chích ngừa ở trẻ em hen được không?
- Cần nhận biết cơn hen cấp và cách xử trí
- Nhận biết hen “mất kiểm soát” và hướng xử trí
- Hoạt động thể dục thể thao ở trẻ hen suyễn.
1.HEN SUYỄN LÀ GÌ?
Đây là một bệnh viêm mạn tính của đường thở. Mạn tính có nghĩa là lâu dài.
Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) đường thở dầy lên, sưng phù và tăng tiết đàm nhầy. Từ đó, sẽ gây co thắt và hẹp đường thở.
Hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm.
Ngoài yếu tố di truyền, phần lớn người bệnh còn “mắc phải” từ nhiều yếu tố dị ứng khác (được gọi là dị nguyên)
VẤN ĐỀ ĐANG XẢY RA VỚI HỆ HÔ HẤP KHI BỊ HEN SUYỄN:

Đường thở dầy lên, sưng phù và tăng tiết đàm nhầy.Tình trạng viêm này không do nhiễm trùng; nên không thể điều trị bằng Kháng sinh.
2. NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG HEN SUYỄN Ở TRẺ EM:
Khò khè, khó thở, ho, nặng ngực là những triệu chứng gợi ý Hen suyễn. Ở trẻ em < 5 tuổi, triệu chứng khò khè thường nổi trội hơn.
Triệu chứng thường xuất hiện và trở nặng về đêm hoặc lúc sáng sớm. Ngày “khỏe” hơn.
Cơn hen cấp cũng dễ xuất hiện khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng hô hấp hoặc cảm cúm, vận động gắng sức, phơi nhiễm dị nguyên, cười hoặc gặp chất kích thích như khói xe, khói thuốc lá hoặc mùi nồng gắt.
Ở trẻ em nếu có > 2 đợt / năm => Nghi ngờ Hen suyễn
Phụ huynh kiểm tra lại dấu hiệu của con bằng các câu hỏi sau:
- Con bạn có thức giấc vào ban đêm vì ho, khò khè hoặc, khó thở / thở nặng / hoặc “không thở được‟ không?
- Con bạn có phải ngưng chạy hoặc chơi kém hơn vì ho, khò khè hoặc khó thở / thở nặng / hoặc “hụt hơi” không?
- Con bạn có ho, khò khè hoặc khó thở / thở nặng / hoặc “hụt hơi‟ khi cười, khóc, chơi với thú cưng hoặc khi phơi nhiễm mùi nồng gắt hoặc khói thuốc không?
- Con bạn có bao giờ bị chàm, hoặc được chẩn đoán dị ứng với thức ăn không?
- Có ai trong gia đình bạn bị hen, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn, chàm hoặc bất cứ bệnh gì có vấn đề về hô hấp không?
Nếu có, hãy khám chuyên khoa Hô hấp và
Đo Dao động xung ký (IOS) để chẩn đoán Hen.
DAO ĐỘNG XUNG KÝ – IOS

Máy sẽ “siêu âm” hơi thở để tìm sự tắc nghẽn đường thở. (Siêu âm không gây hại cho sức khỏe). * Trẻ từ 2,5 tuổi thực hiện được. * Trẻ hút vào, thổi ra bằng miệng bình thường trong 20 giây. * Thời gian đo và chờ kết quả < 20 phút.
3. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH HEN SUYỄN:
3.1 Bệnh Hen suyễn gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị tốt:
- Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Vì vậy, nếu không điều trị nền viêm này, đường thở sẽ “tái cấu trúc” và không thể hồi phục như cũ. Bệnh ngày càng nặng hơn.
- Nếu không được điều trị tốt, con trẻ sẽ bị hen suyễn trong vài năm, và có nhiều đợt hen trong năm.
- Tình trạng khó thở cấp tính có thể gây tử vong. Và ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ ở tuổi trưởng thành.
- Hen suyễn không điều trị có thể đưa đến tâm phế mạn (suy tim và phổi mạn tính), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
3.2 Không thể chữa khỏi bệnh Hen, nhưng có thể kiểm soát bệnh Hen suyễn cho con bạn:
Y học tiến bộ đã khẳng định cơ chế sinh bệnh Hen suyễn là có tình trạng viêm mạn tính (suốt đời) ở đường dẫn khí và có yếu tố gen di truyền. Vì vậy, chúng ta không thể chữa “dứt điểm” hoặc “tận gốc” hen suyễn.
Mục tiêu điều trị hen là khống chế / kiểm soát / ngăn chặn không có cơn hen.
“Kiểm soát Hen” khi phần lớn cuộc sống con bạn có sức khỏe bình thường, với:
- Các bé có thể làm việc, vui chơi và đi học.
- Các bé có thể ngủ ngon vào ban đêm.
- Các bé có thể tránh hầu hết các cơn hen suyễn
- Các bé có đường thở bình thường khi đo Chức năng Hô hấp.
ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG CÓ NGHĨA LÀ “KIỂM SOÁT HEN HOÀN TOÀN”


3.3 Hầu hết thuốc Hen suyễn dưới dạng thuốc hít. Thuốc hít sẽ có hàm lượng thuốc rất nhỏ, được hít bằng đường miệng để thuốc “bay” vào đến đường dẫn khí và phổi. Thuốc chỉ cho tác dụng tại hệ hô hấp; mà không gây tác dụng phụ toàn thân. (Sử dụng được cho phụ nữ mang thai). Vì vậy, thuốc dạng hít rất an toàn – hiệu quả và ít tác dụng phụ; ngay khi bạn sử dụng lâu dài.
3.4 Cần hít thuốc đúng cách, để đưa thuốc “đến” đường dẫn khí và phổi. Trẻ em cần hít thuốc qua buồng đệm.
3.5 Con Bạn cần tái khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng; để
- Đo chức năng hô hấp,
- Giảm liều dần thuốc hít ICS khi Hen đạt kiểm soát tốt.
Vì hen suyễn có nền viêm “mạn tính”, ảnh hưởng đến cấu trúc đường dẫn khí; nên cần sửa chữa lâu dài bằng thuốc ICS và có giảm liều. Và Bác sĩ sẽ cho con bạn ngưng điều trị khi đã hoàn thành phác đồ điều trị.
Bạn không nên tự ý ngưng thuốc cho con, khi chưa có chỉ định của Bác sĩ.
NGƯỜI HEN SUYỄN SẼ CÓ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG, NĂNG ĐỘNG,
KHI BẠN “BIẾT” CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH HEN
4. ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ:
Diễn tiến tự nhiên của bệnh hen suyễn ở trẻ em:
Hen suyễnrất thường gặp hơn ở trẻ em. Khi trưởng thành, trẻ sẽ ít bị cơn hen hơn. Nhưng hen sẽ “trở lại” khi về già. “Trẻ” có thể di truyền cho con hoặc cho cháu. Vì vậy, y học hiện đại khẳng định “không có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh hen”.
Nhưng với điều trị bằng thuốc kiểm soát hen ICS, an toàn và hiệu quả; trẻ được giảm liều dần mỗi 3 tháng. Được ngưng điều trị nếu kiểm soát hen hoàn toàn. Nhưng cần điều trị trở lại khi lớn tuổi, về già hoặc có triệu chứng hen trở lại.
Nguyên tắc điều trị Hen bao gồm:
- Tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen (Dị nguyên)
- Điều trị với thuốc Kiểm soát Hen (thuốc Dự phòng) lâu dài, giảm liều mỗi 3 tháng. Hít thuốc đúng cách qua buồng đệm.
- Cấp cứu/ cắt cơn bằng thuốc Ventoline đúng liều và luôn mang theo thuốc cấp cứu cho trẻ.
Hầu hết tất cả người bệnh (95%) sẽ kiểm soát Hen hoàn toàn nếu tuân thủ điều trị trên
ĐIỀU TRỊ HEN LÀ “NGỪA CƠN HEN”, ĐỪNG ĐỢI LÊN CƠN MỚI CẮT
(Xem thêm điều trị Hen suyễn hiệu quả: ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN SUYỄN HIỆU QUẢ | Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng – CHAC)
5. TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC HÍT HEN:
Thuốc hít Corticosteroid không có các tác dụng phụ như thuốc uống, vì:
- Thuốc hít Kiểm soát hen suyễn có liều lượng Corticoid rất nhỏ (tính bằng Microgam / nhát thuốc).
- Hít thuốc đúng sẽ đưa thuốc đến đường dẫn khí và phổi, xem như tác dụng “tại chỗ”. Tối thiểu lượng thuốc hấp thu vào cơ thể, nên ít tác dụng phụ toàn thân.
- Giảm liều mỗi 3 tháng khi kiểm soát tốt bệnh hen và sự viêm mạn tính đường thở.
- Súc miệng NGAY sau khi hít thuốc (giúp giảm thiểu hấp thu thuốc vào cơ thể).
Tác dụng phụ của thuốc hít trong điều trị hen:
- Khô họng
- Nấm họng: Cần súc miệng kỹ và ngay sau hít thuốc dạng Corticoid (thuốc Kiểm soát Hen).
- Run tay, tim đập nhanh, hồi hộp: Thường xảy ra khi mới bắt đầu điều trị và với thuốc Cấp cứu/ cắt cơn. Nên dùng liều thấp ban đầu (hoặc giảm liều đã có) trong vài ngày, cho đến khi dung nạp được thuốc; không còn tác dụng phụ này.
- Hạ Kali máu (gây nhược cơ, mệt mỏi, vọp bẻ…): Ăn nhiều cam, chuối, uống nước dừa, rau xanh…
- Đau đầu: Xử trí tương tự run tay, tim đập nhanh.
(xem thêm tác dụng phụ của thuốc Corticosteroid dạng uống: ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN SUYỄN HIỆU QUẢ | Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng – CHAC
6. TRÁNH THẬT TỐT CÁC DỊ NGUYÊN:
- “Dị nguyên” là những nguyên nhân dị ứng, kích thích người bệnh lên cơn hen.
- Phần lớn, ngời bệnh hen suyễn sẽ dễ lên cơn hen khi trời lạnh, thời tiết giao mùa (lúc chuyển mưa…); khói, bụi, và khi nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm,…
- Cách biện pháp chung để chăm sóc trẻ bị hen
- Giữ ấm cổ ngực khi trời lạnh. Phơi nắng sáng
- Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ. Tránh nhang khói
- Không nên có thú nuôi (chó, mèo,…) trong nhà. Diệt gián
- Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.
- Nơi ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.
- Không để những chất nặng mùi trong nhà.
- Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng , thuốc xịt muỗi, côn trùng
- Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành
(Xem thêm: ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN SUYỄN HIỆU QUẢ | Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng – CHAC)
7. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO TRẺ EM BỊ HEN:
Bệnh hen không điều trị đơn thuần được bằng chế độ dinh dưỡng.
Con bạn chỉ cần kiêng cữ đúng loại thực phẩm gây lên cơn hen cho con. Không cần kiêng cữ hết tất cả thức ăn dị ứng, vì tỉ lệ dị ứng thức ăn gây lên cơn hen rất thấp.
Một số thức ăn có thể gây cơn hen: Hải sản, bò, gà, trứng, sữa, có chứa chất bảo quản Sulfit hoặc lên men như bia, rượu, mắm, tương chao…
Ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giúp trẻ tăng trưởng, qua đó có thể giúp kiểm soát hen tốt hơn.

8. CHÍCH NGỪA ở TRẺ EM HEN SUYỄN:
Ngay cả trong lúc sử dụng thuốc hen suyễn, trẻ hen suyễn vẫn được tiêm ngừa Vaxcine các loại, như các trẻ em bình thường khác.
Hơn nữa, các bệnh nhiễm trùng hô hấp như Cảm cúm, Ho gà, Viêm phổi – viêm hô hấp… là các yếu tố hàng đầu kích phát đợt hen cấp.

Vì vậy, con bạn cần: Chích ngừa Cúm mỗi nămChích Viêm phổi Chích ngừa nhắc lại mũi Ho gà
9. CẦN NHẬN BIẾT CƠN HEN CẤP và CÁCH XỬ TRÍ NGAY CHO TRẺ:
Khi tiếp xúc với dị nguyên, hoặc nhiễm trùng hô hấp, hoặc khí hậu (lạnh, chuyển mưa…), hoặc có yếu tố tâm lý => thể làm trẻ lên cơn hen cấp.

Cơn hen cấp cần được nhận biết sớm, xử trí ngay và đúng cách. Để giảm nguy cơ nhập viện và tử vong
Cần nhớ Ventoline (màu xanh) là thuốc cấp cứu/ cắt cơnGhi nhớ cách cấp cứu
- Nhận biết cơn hen cấp: Xuất hiện cơn khó thở, khò khè, ho và nặng ngực; kéo dài trên 10 phút, không tự mất đi.
Biểu hiện khó thở: Trẻ thở nhanh, co lõm hõm ức, lồng ngực… Nặng hơn: có thể nói đứt quãng, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi…
- Xử trí NGAY:
+ Tránh xa yếu tố gây kích phát. Hạn chế cho trẻ vận động. Giữ trẻ ở tư thế ngồi tựa; vì nằm có thể sẽ khó thở hơn.
+ Xịt và hít 2 – 4 nhát thuốc Cắt cơn (thuốc Cấp cứu), lập lại mỗi 15 – 20 phút. Sau 3 lần không “cắt” được cơn khó thở; cần nhập viện cấp cứu.
+ Nhập Bệnh viện gần nơi ở của bạn, nếu trẻ còn mệt sau 1 giờ cấp cứu.
+ Nếu trẻ xuống cơn, duy trì tiếp thuốc kiểm soát Hen ICS nhưng tăng liều gấp hai (gấp 2).
LUÔN MANG THEO THUỐC CẤP CỨU CHO TRẺ và GHI NHỚ CÁCH CẤP CỨU TRÊN.
10. NHẬN BIẾT HEN “MẤT KIỂM SOÁT” và HƯỚNG XỬ TRÍ: (BẢNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TẠI NHÀ)
Khi trẻ hít thuốc kiểm soát Hen đều đặn; sẽ ít xuất hiện cơn hen cấp. Nhưng thỉnh thoảng trẻ vẫn có triệu chứng về hô hấp. Phụ huynh thường phân vân không biết trẻ bị hen hay bị nhiễm trùng hô hấp.
Trong các dị nguyên của hen (hay yếu tố khởi phát); cảm cúm, nhiễm trùng hô hấp là những nguyên nhân hàng đầu kích phát cơn hen. Thường trẻ sẽ dễ lên cơn hen sau nhiễm trùng khoảng 1 – 2 ngày.
- Vì vậy, gia đình không cần cố gắng phân biệt giữa hen và nhiễm trùng hô hấp.
- Mà, chúng ta hãy tăng liều gấp hai (2) thuốc hít ICS (thuốc dự phòng/kiểm soát)
- Dấu hiệu Hen mất kiểm soát:
+ Mệt hơn khi hoạt động thể lực vừa sức
+ Hay ho về đêm và sáng sớm.
+ Có cơn hen cấp nhẹ và ngắn (khó thở, khò khè, ho và nặng ngực)
+ Có dấu hiệu cảm, sổ mũi, hắt hơi.
- Nguyên nhân gây Hen mất kiểm soát, có thể là
- Kỹ thuật hít thuốc chưa đúng
- Không tuân thủ thuốc Kiểm soát Hen (đây chính là thuốc điều trị chính)
- Nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm hoặc tiếp xúc dị nguyên, nhất là khói thuốc lá, bụi xây dựng…
- Mắc thêm các bệnh lý khác:
+ Béo phì
+ Trào ngược Dạ dày thực quản
+ Viêm mũi, viêm xoang và polyp mũi (80% BN Hen có kèm viêm mũi dị ứng)
+ Stress tâm lý, lo âu và trầm cảm
+ Dị ứng thức ăn và sốc phản vệ
- Xử trí:
+ Tránh các yếu tố gây kích phát
+ Tăng liều gấp 2 lần thuốc Dự phòng (thuốc Kiểm soát Hen), càng sớm càng tốt.
+ Dùng thuốc cấp cứu khi cần
- Nếu sau 1 – 2 ngày, bé vẫn phải dùng thuốc Cấp cứu > 4 lần / ngày cần tái khám lại ngay.
- Nếu bé cảm giác khỏe hơn với việc tăng liều thuốc hít Kiểm soát, hãy duy trì liều thuốc (tăng gấp 2 lần) trong 1 – 2 tuần. Và trao đổi thêm với BS điều trị.
VIỆC TĂNG LIỀU THUỐC ICS (THUỐC KIỂM SOÁT HEN) SỚM KHI HEN CÓ TRIỆU CHỨNG XẤU ĐI, GIÚP NGĂN CHẶN HIỆU QUẢ CƠN HEN CẤP (SẼ CÓ SAU 1 – 2 NGÀY); GIẢM NGUY CƠ NHẬP VIỆN.
11. HEN SUYỄN VÀ HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC GẮNG SỨC.
Luyện tập quá sức cũng là yếu tố kích phát cơn hen. Nhưng, luyện tập thể lực thường xuyên và tập hít thở rất tốt cho người bệnh hen suyễn.
Vì vậy, khuyến khích gia đình cho bé tham gia thể dục thể thao. Các vấn đề cần lưu ý:
- Xác định các yếu tố kích phát hen suyễn ở trẻ khi tập thể dục (môi trường, cường độ tập, tâm lý…)
- Cần tập thể lực vừa sức. Và tăng dần cường độ tập.
- Có thể xịt thuốc Cắt cơn (thuốc Cấp cứu) trước tập thể lực 15 – 20 phút
- Hướng dẫn trẻ làm nóng cơ thể trước khi tập – Kết thúc bằng một bài tập hạ nhiệt.
- Báo cho Giáo viên thể dục về tình trạng của bé. Nếu có thể, trao đổi với giáo viên về cách nhận biết cơn hen cấp và cách xử trí.
CÓ NHỮNG VẬN ĐỘNG VIÊN ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG OLYMPIC DÙ MẮC BỆNH HEN