ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN SUYỄN HIỆU QUẢ

ThS.BS Trần Thị Kim Thu

Hen phế quản (suyễn) là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 1 – 18% dân số tùy theo mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số, trẻ em từ 13 – 14 tuổi chiếm 14,8%, tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3 – 4000 người/năm.

Hen suyễn là bệnh mạn tính, nên không thể điều trị “dứt điểm” hoặc “tận gốc” được. Nhưng may mắn thay, với những tiến bộ của Y học, ngày nay hen suyễn đã được điều trị rất tốt; rất hiệu quả; giúp người bệnh có cuộc sống mạnh khỏe như người bình thường, và hoàn toàn không hạn chế về thể lực. Được gọi là “sự kiểm soát hoàn toàn bệnh hen”.

95% người bệnh sẽ đạt kiểm soát hen trong suốt cuộc đời họ, nếu chúng ta hiểu rõ về bệnh Hen và tuân thủ điều trị tốt.

Các hiểu biết về Hen suyễn bạn và gia đình cần biết:

1. NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH HEN SUYỄN:

Khò khè, khó thở, ho, nặng ngực là những triệu chứng gợi ý Hen suyễn. Người bệnh thường “kết hợp” ít nhất 2 trong 4 triệu chứng trên. (Có nhiều hơn một triệu chứng)

Triệu chứng thường xuất hiện và trở nặng về đêm hoặc lúc sáng sớm. Ngày thì cảm giác khỏe hơn.

 Cơn hen cấp cũng dễ xuất hiện khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng hô hấp hoặc cảm cúm, vận động gắng sức, phơi nhiễm dị nguyên, , cười hoặc gặp chất kích thích như khói xe, khói thuốc lá hoặc mùi nồng gắt

2. VẤN ĐỀ GÌ ĐANG XẢY RA VỚI HỆ HÔ HẤP CỦA BẠN KHI BỊ HEN SUYỄN:

Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính của đường thở. Tình trạng viêm sẽ làm đường thở dầy lên, sưng phù tăng tiết đàm nhầy. Từ đó, sẽ gây co thắt và hẹp đường thở. Vì vậy, đường dẫn khí sẽ bị tắc nghẽn.

Tình trạng viêm này không do nhiễm trùng; nên không điều trị Kháng sinh trong Hen suyễn
Đo chức năng hô hấp là phương pháp hiện đại đánh giá sự tắc nghẽn đường dẫn khí giúp chẩn đoán xác định Hen suyễn.  

3. NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT TRONG KHI ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN:

3.1 Hậu quả của sự nghẽn tắc mạn tính đường dẫn khí do Hen suyễn:

  • Hen suyễn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp hơn ở trẻ em và nặng hơn ở người già.
  • Bạn sẽ bị hen suyễn trong nhiều năm, và có nhiều đợt hen trong năm.
  • Tình trạng khó thở cấp tính có thể gây tử vong.
  • Tình trạng lên cơn hen suyễn đêm có thể ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ, đặc biệt ở trẻ em.
  • Bệnh hen hoàn toàn không lây lan từ người này qua người khác. Nhưng có yếu tố di truyền trong gia đình (nhiều người trong gia đình bị hen)
  • Ngoài yếu tố di truyền, phần lớn người bệnh còn “mắc phải” từ nhiều yếu tố dị ứng khác (được gọi là dị nguyên)

3.2 Bạn không thể chữa khỏi bệnh Hen, nhưng bạn có thể kiểm soát bệnh Hen suyễn.

Thế nào là “Kiểm soát Hen”?

“Kiểm soát Hen” khi phần lớn cuộc sống bạn / con bạn có sức khỏe bình thường, với:

  • Bạn / con trẻ có thể làm việc, vui chơi và đi học.
  • Bạn / con trẻ có thể ngủ ngon vào ban đêm.
  • Bạn / con trẻ có thể tránh hầu hết các cơn hen suyễn
  • Bạn / con trẻ có đường thở bình thường khi đo Chức năng Hô hấp.

3.3 Hầu hết thuốc Hen suyễn dưới dạng thuốc hít. Thuốc hít sẽ có hàm lượng thuốc rất nhỏ, được hít bằng đường miệng để thuốc “bay” vào đến đường dẫn khí và phổi. Thuốc chỉ cho tác dụng tại hệ hô hấp; mà không gây tác dụng phụ toàn thân. Vì vậy, thuốc dạng hít rất an toàn – hiệu quả và ít tác dụng phụ; ngay khi bạn sử dụng lâu dài.  

3.4 Các thuốc Hen dạng hít an toàn cho phụ nữ có thai. Giai đoạn mang thai có thể làm cho Hen xấu đi, mất kiểm soát. Vì vậy, bạn vẫn cần duy trì thuốc Hen và tái khám thường xuyên hơn. 

3.5 Cần hít thuốc đúng cách, để đưa thuốc “đến” đường dẫn khí và phổi.

3.6 Bạn cần tái khám định kỳ mỗi 3 – 6 tháng; để

  • Hen suyễn là bệnh mạn tính suốt đời, cho nên, bạn sẽ phải điều trị lâu dài; nhưng liều thuốc sẽ được giảm dần đi sau mỗi 3 tháng. Và,
  • Đo chức năng hô hấp, để kiểm tra lại đường thở đã “sữa chữa” tốt chưa.

TRÊN TOÀN THẾ GIỚI, CŨNG CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ HEN SUYỄN NHƯ BẠN / CON BẠN. NGƯỜI HEN SUYỄN SẼ CÓ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG, NĂNG ĐỘNG, KHI BẠN “BIẾT” CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH HEN.

4. ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ:

Mục tiêu điều trị là Kiểm soát Hen, nghĩa là:

  • Hoạt động thể lực tốt theo độ tuổi
  • Hạn chế xuất hiện cơn hen cấp / kịch phát
  • Đường thở tốt (được đánh giá qua Hô hấp ký hoặc Dao động xung ký)
  • Liều thuốc thấp, ít tác dụng phụ

Điều trị Hen bao gồm 2 phần:

  • Điều trị với thuốc Kiểm soát Hen (thuốc Dự phòng) lâu dài.
  • Tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen (Dị nguyên)
  • Cần phối hợp cả hai để đạt hiệu quả kiểm soát Hen tốt nhất

4.1 ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC:

Người bệnh cần có 2 loại thuốc hít:

+ Thuốc Kiểm soát hen = thuốc Ngừa cơn (có tác dụng điều trị, “sửa chữa” nền viêm)

+ Thuốc Giảm triệu chứng = thuốc Cắt cơn (giúp giãn đường thở nhanh, không giúp điều trị viêm)

Hai loại thuốc này có thể ở hai ống thuốc riêng biệt hoặc gần đây đã kết hợp được trong một ống thuốc.

  • Thuốc hít Dự phòng / Kiểm soát Hen: Đây là thuốc chính trong điều trị Hen. Thuốc có chứa corticosteroid với hàm lượng rất nhỏ; để điều trị nền viêm mạn tính
  • Bạn cần điều trị lâu dài thuốc Dự phòng, nhưng sẽ được giảm liều mỗi 3 tháng; khi bạn đạt hiệu quả kiểm soát hen và có test đo đường thở tốt.
  • Súc miệng sau hít thuốc có Corticosteroid dạng hít
  • Thuốc Cắt cơn/ thuốc Cấp cứu / thuốc Giảm triệu chứng: Làm giãn đường thở nhanh
  • Chỉ sử dụng khi khó thở cấp tính, (không dùng thay thế thuốc điều trị)
  • Thuốc Cắt cơn hen luôn luôn có ở bên người bệnh, khi đi ra ngoài; để cấp cứu khi bị khó thở cấp.

RẤT ÍT HOẶC KHÔNG PHẢI DÙNG THUỐC CẮT CƠN MỚI GỌI LÀ ĐIỀU TRỊ HEN TỐT.

4.2 TRÁNH THẬT TỐT CÁC DỊ NGUYÊN:

“Dị nguyên” là những nguyên nhân dị ứng, kích thích người bệnh lên cơn hen.

Phần lớn, ngời bệnh hen suyễn sẽ dễ lên cơn hen khi trời lạnh, thời tiết giao mùa (lúc chuyển mưa…); khói, bụi, và khi nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm,…

CÁCH TRÁNH CÁC DỊ NGUYÊN THƯỜNG GẶP

BIỆN PHÁP

GIỮ ẤM CỔ, NGỰC và MŨI
Quàng cổ và ngực khi thời tiết lạnh
Đeo khẩu trang, giữ ấm mũi và tránh bụi, khói, mùi, giọt bắn.
TRÁNH GIÓ, QUẠT HOẶC MÁY LẠNH HÀ HƠI LẠNH VÀO VÙNG MŨI, CỔ VÀ NGỰC

TRÁNH Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ
Mở rộng cửa sổ khi trời nóng hoặc ngột ngạt, khi có khói từ nấu ăn, hoặc khi có nồng gắt, hoặc khi hút bụi sàn nhà.

ĐÓNG CỬA SỔ KHI KHÔNG KHÍ Ô NHIỄM, HOẶC CÓ BỤI ĐƯỜNG, BỤI XÂY DỰNG, PHẤN HOA, CÂY CỐI

TRÁNH TUYỆT ĐỐI KHÓI THUỐC LÁ và CÁC LOẠI HƠI, KHÓI KHÁC
Trao đổi với BS về việc hỗ trợ cai thuốc lá
Tránh mùi thơm, mùi nồng gắt

MẠT BỤI NHÀ
Chỉ nên sử dụng chất liệu tổng hợp trong phòng ngủ, như nệm cao su, gòn công nghiệp (gối hơi…)
Bọc bao gối, mền bằng bao không thấm
Giặt bao, mền bằng nước nóng (55-60°C)
Hạn chế sử dụng các vật có thể bám bụi (như lông, len..)
Hút buị với bộ lọc HEPA tích hợp và túi hai lớp
Loại bỏ, giặt nóng, hoặc đông lạnh các đồ chơi mềm
Không có thú nhồi bông
Không sử dụng thảm (vì dễ bám bụi và ẩm mốc)

THÚ NUÔI
Đuổi mèo/chó khỏi nhà
Không cho thú vào các phòng chính/phòng ngủ
Làm sạch không khí với bộ lọc HEPA
Tắm thú
Thay thảm bằng sàn cứng
Hút bụi với bộ lọc HEPA tích hợp và túi hai lớp

CON GIÁN
Mồi và diệt trừ gián chuyên nghiệp
Mồi đặt trong những vật gia dụng
THÚ GẬM NHẤM
Phương pháp xử trí gậm nhấm tích hợp

NẤM MỐC (DO ẨM ƯỚT)
Chống ẩm hoặc nấm trong nhà
Lọc không khí, điều hòa không khí

4.3 CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG:

Chúng ta chỉ cần kiêng cử đúng loại thực phẩm gây lên cơn hen cho bản thân.   

  • Một số thức ăn có thể gây cơn hen, như hải sản, bò, gà, trứng, sữa, có chứa chất bảo quản Sulfit hoặc lên men như bia, rượu, mắm, tương chao…
  • Tỉ lệ dị ứng ăn gây cơn hen thấp và thay đổi khác nhau theo cơ địa. Vì vậy, chúng ta không cần kiêng cữ hết tất cả thức ăn có thể dị ứng.
  • Bệnh hen không điều trị đơn thuần được bằng chế độ dinh dưỡng.

ĂN NHIỀU TRÁI CÂY VÀ RAU XANH SẼ MANG LẠI RẤT NHIỀU LỢI ÍCH CHO SỨC KHỎE. QUA ĐÓ CÓ THỂ GIÚP KIỂM SOÁT HEN TỐT HƠN.

4.4 CHẾ ĐỘ TẬP LUYỆN:

Luyện tập thể lực và tập hít thở thường xuyên rất tốt cho người bệnh hen suyễn.

  • Nhưng luyện tập quá sức cũng là yếu tố kích phát cơn hen.

Vì vậy:

  • Cần tập thể lực vừa sức, tăng dần cường độ tập
  • Có thể xịt thuốc Cắt cơn (thuốc Cấp cứu) trước tập thể lực 15 – 20 phút, sẽ giúp luyện tập tốt hơn và an toàn
  • Nên thực hiện nghiệm pháp Tim mạch – Hô hấp gắng sức (CPET) để đánh giá chức năng Tim Phổi và xác định ngưỡng luyện tập phù hợp với bạn.

4.5 CHÍCH NGỪA ĐỂ PHÒNG BỆNH NHIỄM TRÙNG HÔ HẤP:

Cảm cúm, ho gà, viêm phổi, viêm hô hấp… là các yếu tố hàng đầu kích phát đợt hen cấp.

Vì vậy, bạn cần:
 Chích ngừa Cúm mỗi năm
 Chích Viêm phổi 1 mũi (có thể cho hiệu quả suốt đời)

5. KHI GIA ĐÌNH CÓ HEN SUYỄN, BẠN CÓ THỂ GIẢM NGUY CƠ CHO EM BÉ BỊ HEN SUYỄN:

Không có biện pháp nào đạt 100% phòng ngừa hen cho con của bạn.

Bạn có thể giảm nguy cơ cho con bạn bằng cách:

  • Không hút thuốc lá khi mang thai và tránh tiếp xúc khói thuốc lá, cũng như các loại khói khác
  • Hạn chế trẻ tiếp xúc với bụi (như trên)
  • Tránh sử dụng thuốc Kháng sinh cho trẻ, trừ khi có chỉ định từ Bác sĩ.

6. NHẬN BIẾT CÁC DẤU HIỆU CỦA CƠN HEN CẤP và CÁCH XỬ TRÍ:

Khi tiếp xúc với dị nguyên, hoặc nhiễm trùng hô hấp, hoặc stress tâm lý… có thể làm bạn lên cơn hen cấp.

Nhận biết cơn hen cấp: Tình trạng cấp tính của khó thở, khò khè, ho và nặng ngực, với mức độ nặng hơn. Bạn có thể nói đứt quãng, khó có thể sinh hoạt cá nhân, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi…

Xử trí NGAY:

+ Tránh xa yếu tố gây kích phát

+ Xịt và hít 2 – 4 nhát thuốc Cắt cơn (thuốc Cấp cứu), lập lại mỗi 15 – 20 phút. Sau 3 lần không “cắt” được cơn khó thở; cần nhập viện cấp cứu.

+ Nhập Bệnh viện gần nơi ở của bạn, nếu còn mệt sau 1 giờ cấp cứu.

+ Tăng liều gấp 2 – 4 lần thuốc Dự phòng (thuốc Kiểm soát Hen), càng sớm càng tốt.

+ Nếu sau 1 – 2 ngày, bạn vẫn phải dùng thuốc Cấp cứu > 4 lần cấp cứu, cần tái khám lại ngay.

7. NHẬN BIẾT HEN “MẤT KIỂM SOÁT” và HƯỚNG XỬ TRÍ:

Hầu hết tất cả người bệnh sẽ kiểm soát Hen hoàn toàn nếu chúng ta (1) hít thuốc đúng cách, (2) tuân thủ tốt thuốc Kiểm soát / Dự phòng Hen và (3) Tránh các yếu tố dị nguyên / kích phát Hen tốt.

  • Dấu hiệu Hen mất kiểm soát:

+ Mệt hơn khi hoạt động thể lực vừa sức

+ Hay ho về đêm và sáng sớm.

+ Có cơn hen cấp (khó thở, khò khè, ho và nặng ngực)

  • Nguyên nhân gây Hen mất kiểm soát, có thể là
  • Kỹ thuật hít thuốc chưa đúng
  • Không tuân thủ thuốc Kiểm soát Hen (đây chính là thuốc điều trị chính)
  • Còn tiếp xúc dị nguyên, nhất là khói thuốc lá
  • Mắc thêm các bệnh lý khác:

+ Béo phì

+ Trào ngược Dạ dày thực quản

+ Viêm mũi, viêm xoang và polyp mũi (80% BN Hen có kèm viêm mũi dị ứng)

+ Stress tâm lý, lo âu và trầm cảm

+ Dị ứng thức ăn và sốc phản vệ

  • Xử trí:

+ Tránh các yếu tố gây kích phát

+ Tăng liều gấp 2 lần thuốc Dự phòng (thuốc Kiểm soát Hen), càng sớm càng tốt.

+ Dùng thuốc cấp cứu khi cần

  • Nếu sau 1 – 2 ngày, bạn vẫn phải dùng thuốc Cấp cứu > 4 lần cấp cứu, cần tái khám lại ngay.
  • Nếu bạn cảm giác khỏe hơn với việc tăng liều thuốc hít Kiểm soát, hãy duy trì liều thuốc (tăng gấp 2 lần) trong 1 – 2 tuần. Và trao đổi thêm với BS điều trị.

8. TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC ĐIỀU TRỊ HEN DẠNG HÍT (SO VỚI THUỐC ĐƯỜNG UỐNG):

  • Nguyên lý cơ bản trong điều trị Hen là “sửa chữa” được nền viêm mạn tính đường dẫn khí. Trong đó, thuốc Corticosteroid là nền tảng chính để điều trị.
  • THUỐC UỐNG CORTICOSTEROID CHO RẤT NHIỀU TÁC DỤNG PHỤ:

+ Loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa

+ Rối loạn giấc ngủ và tâm thần (hưng phấn, nói sảng, hoang tưởng, trầm cảm, và loạn thần cấp…)

+ Giảm sức đề kháng của cơ thể (nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm…)

+ Tăng cân do giữ muối nước, mặt to phù, chân tay teo lại (teo cơ), da mỏng – bầm xuất huyết; rậm lông

+ Loãng xương, tăng nguy cơ loãng xương.

+ Đái tháo đường (tiểu đường)

+ Tăng huyết áp

+ Hạ Kali máu, gây mệt mỏi, nhược cơ.

+ Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp

+ Suy tuyến thượng thận, lệ thuộc thuốc Corticosteroid (“Nghiện” thuốc)…

Ở trẻ em, ngoài các tác dụng phụ trên, trẻ còn bị:

            + Chậm phát triển chiều cao…

            + Chậm kinh nguyệt.

  • ĐIỀU TRỊ HEN BẰNG THUỐC HÍT CORTICOSTEROID KHÔNG CÓ CÁC TÁC DỤNG PHỤ NHƯ THUỐC UỐNG, vì:
  • Thuốc hít Kiểm soát hen suyễn có liều lượng Corticoid rất nhỏ (tính bằng Microgam / nhát thuốc).
  • Hít thuốc đúng sẽ đưa thuốc đến đường dẫn khí và phổi, xem như tác dụng “tại chỗ”. Tối thiểu lượng thuốc hấp thu vào cơ thể, nên ít tác dụng phụ toàn thân.
  • Giảm liều mỗi 3 tháng khi kiểm soát tốt bệnh hen và sự viêm mạn tính đường thở.
  • Súc miệng NGAY sau khi hít thuốc (giúp giảm thiểu hấp thu thuốc vào cơ thể).
  • Tác dụng phụ của thuốc hít trong điều trị hen:
  • Khô họng
  • Nấm họng: Cần súc miệng kỹ và ngay sau hít thuốc dạng Corticoid (thuốc Kiểm soát Hen).
  • Run tay, tim đập nhanh, hồi hộp: Thường xảy ra khi mới bắt đầu điều trị và với thuốc Cấp cứu/ cắt cơn. Nên dùng liều thấp ban đầu (hoặc giảm liều đã có) trong vài ngày, cho đến khi dung nạp được thuốc; không còn tác dụng phụ này.
  • Hạ Kali máu (gây nhược cơ, mệt mỏi, vọp bẻ…): Ăn nhiều cam, chuối, uống nước dừa, rau xanh…
  • Đau đầu: Xử trí tương tự run tay, tim đập nhanh.