Chữa viêm họng không dùng kháng sinh

Thời tiết thất thường như hiện nay khiến bệnh nhân viêm đường hô hấp tăng cao. Theo các chuyên gia y tế, không nhất thiết phải dùng ngay kháng sinh khi chớm viêm họng mà có thể dùng cây nhà, lá vườn trị bệnh.
Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Bác sĩ Lê Thanh Mai cho biết, đau họng do nhiều nguyên nhân: Có người cứ cảm là ho, đau họng. Có người do nói, la hét quá độ, hoặc không khí quá khô… mà viêm. Có người đêm ngạt mũi vô tình thở bằng miệng là sáng ra đã đau họng. Có khi đau họng là giọng khản đặc, thậm chí mất tiếng, luôn phải hắng giọng, khạc đờm hàng tháng dù không ho, không sốt…

Viêm họng gia tăng còn do ô nhiễm môi trường, khói xăng, bụi đường, rác thải công nghiệp… làm đau rát vùng họng, nuốt đau, vướng, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai, ho…  có khi kèm viêm họng hạt, gây sốt. Người hay bị cảm lạnh, cổ họng rất hay bị viêm và có đờm khi trở trời, đổi mùa, nóng lạnh bất thường. Khi bệnh mới mắc mà không kịp thời chữa trị sẽ biến chứng thành viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp…

Tuy nhiên, theo BS Lê Thanh Mai, không phải trong trường hợp nào cũng uống kháng sinh.  Thực tế, kháng sinh chỉ cần khi tiêu diệt các vi trùng đã xâm nhập sâu vào cơ thể, còn vi khuẩn gây đau họng chỉ khu trú ở thành cổ họng, chỉ cần điều trị một số loại thuốc ngậm thông dụng hoặc một số bài thuốc đông y cũng có thể dứt bệnh.
Chanh thái lát trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng rất hiệu quả.

Tự chữa viêm vọng

Theo dược sĩ Nguyễn Hoàng Yến (Tổng Công ty Dược Việt Nam), buổi sáng, hoặc tối nhiều người – nhất là trẻ em, người già hay bị lạnh, bật ho. Những lúc ấy chỉ cần ngậm một viên kẹo thuốc như: Bổ phế, Viên ngậm trị viêm họng, Adsine – new, Zecuf… là thuốc thảo dược do Việt Nam sản xuất là hết ho và sát khuẩn họng rất tốt. Một số viên kẹo ngậm ho của nước ngoài như Mekotricin, Zecuf… cũng thích hợp. Còn nếu bị khô mũi, khó thở, đau họng, hoặc ngủ dậy thấy đau họng chỉ cần hít nhiều hơi nước nóng ấm, hoặc cho thêm 1 giọt dầu xanh vào chậu nước sôi bốc hơi rồi hít thở bằng cả miệng, mũi hơi nóng đó khoảng 5 phút sẽ sát trùng vùng họng, xoa dịu cơn đau cổ họng.

Bác sĩ Lê Thanh (Phòng khám – Bệnh viện Xanh Pôn) khuyến cáo phòng bệnh là tốt nhất. Cách đơn giản, dễ thực hiện là pha một muỗng cà phê muối ăn vào nửa lít nước ấm, dùng súc họng, rửa mũi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để cổ họng luôn sạch, không bị viêm nhiễm. Nước biển (nước muối nồng độ nhẹ chứa trong chai có áp suất bán ở các hiệu thuốc) xịt vào cổ họng cũng làm dịu cơn đau họng. Hoặc có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ nước muối sinh lý 0,9% súc họng hàng ngày.

Nếu đau họng khàn tiếng là do vi trùng khu trú sâu dưới cổ họng, nước muối không vào tới. Kẹo thuốc lúc này phát huy tác dụng diệt khuẩn, tiêu đờm rất công hiệu. Nếu bị cảm gây ho, viêm họng thì dùng loại kẹo có chứa chất kẽm (zinc) để xoa dịu chứng đau cổ họng và trị cả triệu chứng khác của bệnh cảm.

Theo bác sĩ đông y Nguyễn Ngọc Phái, phố Giảng Võ, Hà Nội: Kha tử là vị thuốc đông y trị viêm họng, họng có đờm, tiêu đờm, ho rất hữu hiệu, hoặc cho 1 nắm hạt tam tử với 1 bát nước, đun sôi còn nửa bát uống sẽ rất tốt cho các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, có thể ngâm lá xạ can tươi hoặc chè mạn ủ nóng 15 phút rồi ngậm họng cũng có tác dụng tương tự.

Cũng theo BS Phái, nếu không quan tâm trị viêm họng ngay từ lúc mới khởi phát, ho nhiều sẽ làm cổ họng thêm viêm tấy, phù nề nặng. Viêm mũi họng cấp hay gây sốt, rất dễ nhầm với cảm cúm và lây lan thành dịch. Tốt nhất là đừng để bị cảm lạnh vì làm viêm họng tái phát, dai dẳng. Nếu làm nghề nói nhiều, ở môi trường bụi… nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Năng tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau, hoa quả tươi, giàu sinh tố C, B1, B6, B12, E và các khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
Thời điểm giao mùa cần giữ ấm mũi họng, đeo khẩu trang khi đi đường để tránh khói bụi, ô nhiễm… Ngoài ra, nên uống nhiều nước lọc, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh nơi bụi bậm, gió lớn, không tắm đêm, không uống nước đá, ăn đồ lạnh vì sẽ làm nhiệt độ ở họng thay đổi, vi khuẩn sẽ phát triển gây đau họng. Những người có thói quen hắng giọng, khạc nhổ cần phải từ bỏ vì hành vi này dễ làm vỡ mạch máu nhỏ ở cổ họng, gây ra máu, sưng và nhiễm trùng rất khó chữa.