CÁC DẤU HIỆU NGƯNG THỞ KHI NGỦ Ở NGƯỜI LỚN

Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng gây ngưng thở những đợt ngắn khi bạn đang ngủ. Có 2 loại ngưng thở khi ngủ: ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngưng thở khi ngủ trung ương.

Trong ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, bạn bị ngừng thở do cổ họng bị hẹp hoặc đóng lại (Hình 1). Trong ngưng thở khi ngủ trung ương, bạn bị giảm hoặc ngừng thở do não không phát tín hiệu đến cơ hô hấp. Đa phần các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn, đó cũng là nội dung của bài này.

Bệnh nhân ngưng thở không tự nhận biết rằng mình bị ngưng thở, nhưng đôi khi họ giật mình thức dậy hoặc thở hổn hển. Người ngủ chung có thể nghe họ ngáy hoặc thấy họ ngừng thở (ngực, bụng ngừng nhấp nhô).

Hình 1. Cơ chế ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Các triệu chứng chính của ngưng thở khi ngủ bao gồm: ngáy to, mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày. Các triệu chứng khác có thể gồm:

  • Ngủ không yên giấc
  • Khi ngủ cảm thấy nghẹt thở hoặc phải thức dậy thở hổn hển
  • Đau đầu, khô miệng hoặc đau họng vào buổi sáng
  • Tiểu đêm
  • Thức dậy thấy mệt mỏi, không sảng khoái
  • Khó suy nghĩ tập trung, khó ghi nhớ

Một số bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không có hoặc không để ý đến các triệu chứng trên. Họ có thể nghĩ là bình thường do cơ thể bị mệt hoặc do ngáy quá nhiều.

Tôi có nên gặp bác sĩ?

Có. Nếu bạn có các triệu chứng trên, bạn nên đi gặp bác sĩ.

Có xét nghiệm nào để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ?

Có. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ cho bạn làm các phương pháp khảo sát giấc ngủ. Các phương pháp này đôi khi có thể làm ở nhà, nhưng đa phần được thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện sẽ cho độ chính xác cao hơn. Bạn sẽ ngủ 1 đêm tại phòng đo giấc ngủ, gắn các thiết bị theo dõi nhịp tim, hơi thở và các chức năng khác của cơ thể. Kết quả sẽ cho biết bạn có rối loạn giấc ngủ loại gì, mức độ nặng nhẹ ra sao.

Tôi cần làm gì để giảm ngưng thở khi ngủ?

Một số cách sau có thể có ích:

  • Nằm nghiêng khi ngủ.
  • Giảm cân, nếu bạn thừa cân, béo phì
  • Tránh uống rượu bia, vì nó có thể làm tình trạng ngưng thở khi ngủ nặng thêm

Điều trị ngưng thở khi ngủ ra sao?

Giảm cân có thể giúp ích nếu bạn thừa cân hoặc béo phì. Nhưng giảm cân có thể khó khăn và cần nhiều thời gian để giảm số cân nặng cần thiết đối với ngưng thở khi ngủ. Hầu hết bệnh nhân cần phương pháp điều trị khác đồng thời với giảm cân.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho ngưng thở khi ngủ là một thiết bị giúp đường thở của bạn mở ra khi ngủ. Đó là máy thở “áp lực dương liên tục” (viết tắt tiếng Anh là CPAP). Bệnh nhân sử dụng CPAP bằng cách đeo 1 mặt nạ khi ngủ (Hình 2).

Nếu bác sĩ khuyên bạn dùng CPAP, hãy thử và cố gắng tuân thủ. Ban đầu, việc đeo mặt nạ có thể làm bạn không thoải mái, hoặc máy có vẻ ổn, nhưng việc dùng máy là cần thiết và “đáng đồng tiền bát gạo”. Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có sử dụng CPAP sẽ cảm thấy giấc ngủ ngon hơn và thường thấy khỏe hơn.

Cũng có một số thiết bị khác được thiết kế để đeo trong miệng, gọi là “dụng cụ đẩy hàm”. Dụng cụ này cũng giúp mở rộng đường thở của bạn khi ngủ. Nhưng nhìn chung, hiệu quả của dụng cụ này không tốt bằng CPAP và chỉ thích hợp với những trường hợp ngưng thở nhẹ đến trung bình.

Trong một số hiếm trường hợp, nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyên bạn phẫu thuật để mở rộng đường thở. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải lúc nào cũng hiệu quả, hoặc ngưng thở có thể tái phát sau phẫu thuật.

Hình 2. Sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?

Có thể. Bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ có chất lượng giấc ngủ không tốt, nên thường bị mệt và không tỉnh táo. Điều này đặt bệnh nhân vào nguy cơ gây tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ngưng thở khi ngủ dễ có nguy cơ mắc tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác. Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ nặng, được điều trị thích hợp có thể giúp ngăn ngừa các nguy cơ này.

Tài liệu tham khảo: UpToDate

Người dịch: ThS.BS. Bùi Diễm Khuê