BUỒN NGỦ BAN NGÀY QUÁ MỨC

Nguyên nhân nào gây buồn ngủ ban ngày?

Buồn ngủ ban ngày có thể do:

– Thói quen ngủ không tốt, ví dụ: ban đêm ngủ không đủ hoặc giờ đi ngủ không đều đặn

– Rối loạn giấc ngủ, ví dụ:

  • Ngưng thở khi ngủ: ngưng thở vài đợt ngắn trong đêm, có thể kèm theo ngáy
  • Ngủ rũ: rất buồn ngủ vào ban ngày, thỉnh thoảng đột ngột buồn ngủ trong những hoạt động thường ngày
  • Mất ngủ: khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc giữa đêm, khó ngủ lại

– Bệnh lý sẵn có, ví dụ:

  • Nhược giáp: không có đủ nội tiết tố (hormone) tuyến giáp. Nội tiết tố này kiểm soát việc sử dụng và tích trữ năng lượng cho cơ thể.
  • Trầm cảm: người bệnh thường cảm thấy buồn, chán, khó tập trung, mất hứng thú với công việc hoặc hoạt động thường ngày.

– Các yếu tố gây xáo trộn giấc ngủ, ví dụ:

  • Âm thanh: môi trường ồn ào, tiếng em bé khóc
  • Tình trạng sức khỏe: hội chứng chân không yên, vọp bẻ (chuột rút) ban đêm
  • Thay đổi giờ giấc sinh hoạt: trực đêm, đi du lịch sang múi giờ khác

– Thuốc: một số thuốc có thể gây buồn ngủ ban ngày

Có cách nào giúp tôi đỡ buồn ngủ ban ngày?

Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây buồn ngủ ban ngày. Tuy nhiên, trước tiên bạn cần có thói quen ngủ tốt, có nghĩa là:

  • Mỗi ngày ngủ và thức dậy vào những giờ cố định
  • Chỉ dùng thức uống có caffeine (trà, café) vào buổi sáng
  • Tránh uống rượu bia, hút thuốc vào buổi chiều tối
  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Tập thể dục, nhưng tránh tập vào buổi tối, ngay trước giờ ngủ
  • Tránh xem điện thoại, máy tính bảng, laptop trước giờ đi ngủ (nếu cần, nên mở chế độ ánh sáng ban đêm).

Tôi có nên đi khám không?

Bạn nên đi khám nếu:

  • Bạn thường xuyên buồn ngủ quá mức vào ban ngày
  • Bạn buồn ngủ trong khi hoạt động bình thường (như đọc sách báo, nói chuyện với người khác, xem ti vi…)
  • Bạn buồn ngủ trong những tình huống nguy hiểm, ví dụ đang chạy xe.
  • Bạn nghe hoặc thấy những thứ không thực sự hiện diện.
  • Khi thức dậy, bạn không thể cử động ngay.
  • Bạn cảm thấy yếu cơ khi cười, khi hưng phấn hoặc khi tức giận.

Tôi có cần xét nghiệm gì không?

Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định cần làm xét nghiệm hoặc cận lâm sàng nào. Có rất nhiều cận lâm sàng về giấc ngủ.

Đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp là cận lâm sàng phổ biến nhất để tìm nguyên nhân buồn ngủ ban ngày. Đối với cận lâm sàng này, bạn sẽ ngủ qua đêm tại phòng khám hoặc bệnh viện. Bạn sẽ được gắn các thiết bị theo dõi nhịp tim, hơi thở và một số chức năng khác.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn làm nhật ký giấc ngủ trong 1 đến 2 tuần, để theo dõi thời gian thức-ngủ của bạn ra sao và yếu tố nào ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Làm thế nào để điều trị buồn ngủ ban ngày?

Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây buồn ngủ ban ngày. Điều trị có thể bao gồm:

  • Thay đổi lối sống: lịch sinh hoạt, làm việc, ngủ trưa, giảm cân, tránh rượu bia, trà, cafe…
  • Đeo thiết bị hỗ trợ thở vào ban đêm (CPAP, BPAP): điều trị ngưng thở khi ngủ
  • Thuốc: một số thuốc giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào ban đêm
  • Phẫu thuật, dụng cụ răng hàm mặt: điều trị một số dạng ngưng thở khi ngủ

Nếu bạn có bệnh lý từ trước hoặc đang dùng các thuốc gây buồn ngủ ban ngày, bạn cũng cần điều trị các bệnh này hoặc điều chỉnh thuốc.

Có thể phòng ngừa buồn ngủ ban ngày không?

Bạn có thể giảm nguy cơ buồn ngủ ban ngày bằng thói quen ngủ tốt. Nếu bác sĩ kê toa thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ thở, bạn nên tuân thủ điều trị.

Nếu con của tôi buồn ngủ ban ngày thì sao?

Ở trẻ em, buồn ngủ ban ngày thường do ngủ ban đêm không đủ hoặc có thói quen ngủ không tốt. Một số thuốc cũng có thể làm con bạn buồn ngủ vào ban ngày.

Trẻ em bị buồn ngủ ban ngày thường biểu hiện khác với người lớn, ví dụ như:

  • Kém tập trung ở lớp
  • Tăng hoạt động, lăng xăng hơn bình thường
  • Dễ giận dữ hoặc khó kiềm chế cảm xúc

Nếu bạn nghĩ con mình bị buồn ngủ ban ngày, nên đưa trẻ đi khám.

Tài liệu tham khảo: UpToDate

Người dịch: ThS.BS. Bùi Diễm Khuê